Bình Phước chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở

Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Bình Phước trong giai đoạn hiện nay. Ðây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi phải được nghiên cứu và đưa ra các giải pháp có tính khả thi cao nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà địa phương đề ra.
Lễ bế giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.
Lễ bế giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.

Nâng cao chất lượng đầu vào

Thời gian qua, Bình Phước ban hành nhiều văn bản và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Ðề án số 05-ÐA/TU ngày 12/7/2022 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh ủy xác định xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.

Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng việc bảo đảm tính kế thừa, phát triển, coi trọng việc nâng cao chất lượng quy trình quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, quy hoạch cán bộ theo hướng “động” và “mở” bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển để giới thiệu quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý…

Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Bình Phước có nhiều đổi mới, tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Ðặc biệt, lần đầu tiên việc tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý được tỉnh thực hiện theo quy trình bốn bước, gồm: đánh giá, lấy phiếu giới thiệu, đề xuất cán bộ tạo nguồn; sơ tuyển, lập danh sách đủ điều kiện; tổ chức sát hạch (thực hiện qua viết bài luận, phỏng vấn, chấm điểm đánh giá); căn cứ kết quả sát hạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định danh sách cụ thể.

Việc tổ chức sát hạch chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới, minh bạch và khoa học, nhằm mục đích tạo ra thế hệ cán bộ có tinh thần và tư duy đổi mới, sáng tạo để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.

Trong năm 2023, Bình Phước đã tổ chức sát hạch, tuyển chọn được một lớp đối tượng 1 với 23 đồng chí; một lớp đối tượng 2 với 25 đồng chí. Song song với quy trình tuyển chọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước thành lập và giao Ban Chỉ đạo tổ chức lớp bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh xây dựng chương trình đào tạo, khung đánh giá quá trình đào tạo, để việc triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bình Phước xét, chọn cử 73 đồng chí tham gia các lớp cao cấp lý luận chính trị theo kế hoạch của Ban Tổ chức Trung ương; tổ chức bảy lớp trung cấp lý luận chính trị, với 358 học viên tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Hơn một năm học lớp đối tượng 1 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tuyển chọn, học viên chúng tôi được bồi dưỡng, đào tạo 5 học phần với 33 chuyên đề; trong đó, phần “kỹ năng và phương pháp” học tại Học viện Viettel trong hai tuần và bốn học phần còn lại học tại tỉnh. Lớp bồi dưỡng, tạo nguồn được tổ chức theo mô hình, phương pháp đào tạo hoàn toàn mới giúp chúng tôi có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào công việc”.

Chuẩn hóa đội ngũ cơ sở

Tại huyện Phú Riềng, công tác cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Ðảng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, đổi mới, tăng dần về số lượng, chất lượng, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ, góp phần tăng hiệu quả thực thi công vụ.

Tính đến ngày 30/9/2024, Phú Riềng đã tổ chức 97 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 10.796 lượt cán bộ, đảng viên về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ; cử 182 đồng chí đào tạo lý luận chính trị, 326 lượt cán bộ tham gia lớp cập nhật kiến thức, 183 đồng chí tham gia lớp bồi dưỡng nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp. Song song với công tác đào tạo cán bộ, Phú Riềng quan tâm đến việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý; thực hiện kịp thời, đúng quy trình, quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan, có sự bàn bạc thống nhất cao của tập thể.

Ðồng chí Phạm Hồng Công, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Riềng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Riềng đã luân chuyển 7 cán bộ về cơ sở. Việc luân chuyển cán bộ đã rèn luyện, thử thách và khảo nghiệm cán bộ để làm căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch; tạo điều kiện cho cán bộ khi hết hai nhiệm kỳ làm lãnh đạo, quản lý được chuyển sang một vị trí công tác mới phù hợp với năng lực và sở trường của cán bộ; khắc phục tình trạng tư tưởng chây ỳ. Các cán bộ luân chuyển về cơ sở đều phát huy được năng lực, sở trường và cùng với địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Huyện Lộc Ninh có 16 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có đến bảy xã có đường biên giới với nước bạn Campuchia. Ðặc thù một số cán bộ của huyện Lộc Ninh giai đoạn trước đây là trưởng thành từ cơ sở cho nên thường thiếu bằng cấp chuyên môn và trình độ lý luận chính trị.

Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết: “Trước đây, khi được luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy xã Lộc Ðiền, qua khảo sát tôi thấy một số cán bộ chưa có điều kiện tham gia lớp học trung cấp lý luận chính trị. Do đó, Ðảng ủy đã cử 11 đồng chí đi học lớp này; đối với các đồng chí chưa hoàn thiện bằng cấp chuyên môn, chúng tôi động viên tham gia hệ đào tạo vừa làm vừa học…”.

Trong nhiệm kỳ này, Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Ninh đã ban hành bốn kế hoạch phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Bình Phước mở bốn lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại huyện; cử 251 đảng viên đi đào tạo sơ cấp lý luận chính trị; cử 300 cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị; đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy cử 16 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết thêm, việc chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; công tác đào tạo cán bộ gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Nhờ đó, đến nay 100% cán bộ trên địa bàn huyện Lộc Ninh đều đạt trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn.

Công tác cán bộ của Bình Phước từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở, thúc đẩy thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11 đề ra.