WEF 2022: Cơ hội thúc đẩy giải pháp căn cơ cho vấn đề toàn cầu

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã khai mạc tại Davos của Thụy Sĩ, theo hình thức trực tuyến. Với chủ đề “Cùng nhau làm việc, khôi phục lòng tin”, Hội nghị WEF năm 2022 được kỳ vọng là cơ hội để thúc đẩy các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề toàn cầu như đại dịch, khủng hoảng khí hậu, cách mạng công nghiệp, phát triển bền vững…

Logo của WEF tại hội nghị thường niên WEF diễn ra ở Davos, năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Logo của WEF tại hội nghị thường niên WEF diễn ra ở Davos, năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo về rủi ro toàn cầu năm 2022 được WEF công bố trước thềm Hội nghị tại Davos nêu rõ: Sự xói mòn liên kết xã hội trở nên tồi tệ hơn, nhất là kể từ khi cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 bắt đầu hoành hành. WEF xếp 31 quốc gia, trong đó có nhiều nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vào nhóm đối mặt nguy cơ cao về xói mòn liên kết xã hội.

Theo WEF, bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, công nghệ và khoảng cách giữa các thế hệ là thách thức đối với các xã hội trước khi chênh lệch thu nhập tăng lên do đại dịch. Xói mòn liên kết xã hội là mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn đối với thế giới, cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chênh lệch trong xã hội sẽ còn tăng. Năm 2021, ước tính nhóm giàu có nhất, chiếm 20% dân số thế giới, đã phục hồi được một nửa thiệt hại do đại dịch, trong khi nhóm 20% nghèo nhất lại mất thêm 5% thu nhập. 

Trong khi đó, báo cáo có tên “Những cái chết vì bất bình đẳng”, được tổ chức Oxfam đưa ra ngay trước thềm Hội nghị hằng năm của WEF cũng nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch, tình trạng nghèo đói và bất công gia tăng, song tài sản của nhóm tỷ phú chiếm khoảng 1% dân số thế giới lại tăng gấp đôi. Oxfam ước tính, tổng tài sản của nhóm 10 tỷ phú hàng đầu hiện lớn gấp sáu lần mức của 3,1 tỷ người nghèo nhất thế giới. Theo Oxfam, sự bất bình đẳng góp phần gây ra cái chết của ít nhất 21.000 người mỗi ngày, do không được tiếp cận dịch vụ y tế, do nạn đói, bạo lực giới, hay tác động của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch WB David Malpass ví khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển như một “hẻm núi đang mở rộng” và điều này có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội và bất ổn. Theo WB, 100 triệu người nữa có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2022 vì đại dịch, còn những người giàu sẽ ngày càng giàu hơn, khi giá cổ phiếu và tài sản của các công ty công nghệ đạt mức cao mới.

Trong bài phát biểu đặc biệt tại Hội nghị trực tuyến WEF hôm 17/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, sự phục hồi vẫn còn mong manh và không đồng đều trong bối cảnh đại dịch kéo dài, những thách thức dai dẳng trên thị trường lao động, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra, lạm phát gia tăng và bẫy nợ rình rập. Để giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu, cũng như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, yếu tố đầu tiên mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhắc tới là việc bảo đảm sự bình đẳng và công bằng.

Ông Guterres nhấn mạnh, ưu tiên cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, hỗ trợ tài chính và giảm nợ cho các nước đang phát triển, nâng cao vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp... sẽ là các giải pháp hiệu quả giúp lập nên một biểu đồ cho hướng đi mới trong nỗ lực phục hồi toàn cầu.

Những quyết sách được đưa ra trong thời gian tới sẽ quyết định tiến trình tăng trưởng toàn cầu trong thập niên tiếp theo. Liên hợp quốc và các tổ chức hợp tác quốc tế nhấn mạnh, xây dựng lại lòng tin, tăng cường hợp tác toàn cầu ngay lúc này là giải pháp căn cơ nhất để đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi giai đoạn u ám, trở lại lộ trình tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm.