“Phương thuốc” giúp giải quyết bài toán an ninh lương thực của APEC

Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết đưa ra một lộ trình mới để hướng dẫn các nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực trong 10 năm tới..

“Phương thuốc” giúp giải quyết bài toán an ninh lương thực của APEC

Đây được coi là “phương thuốc” nhằm giúp các nền kinh tế khu vực giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), gần 2,37 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận lương thực đầy đủ vào năm 2020, tăng 320 triệu người chỉ trong một năm. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung, cả trong mạng lưới sản xuất và phân phối.

Việc nhiều nước đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tác động từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến phân phối thực phẩm.

Trong khi đó, hạn hán, lũ lụt và hiện tượng thời tiết cực đoan ở nhiều nơi đã ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc cho biết, giá lương thực toàn cầu trong tháng 5/2021 đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong gần một thập kỷ qua.

Hội nghị An ninh lương thực cấp bộ trưởng được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ APEC 2021 do New Zealand đăng cai mới đây đã nhấn mạnh, bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định là một trong những thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế APEC và các nền kinh tế còn lại của thế giới phải đối mặt, nhất là khi các quốc gia phục hồi sau đại dịch.

Các nền kinh tế thành viên cần cải thiện hệ thống lương thực để hiện thực hóa Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình. 

Lộ trình an ninh lương thực hướng tới năm 2030 được các bộ trưởng APEC đưa ra tập trung vào bốn vấn đề trọng tâm, gồm số hóa và đổi mới, năng suất, tính bao trùm và tính bền vững.

Tuyên bố chung của Hội nghị tái khẳng định cam kết xây dựng một hệ thống lương thực cởi mở, minh bạch, năng suất, bền vững và có khả năng phục hồi. Đây được cho là văn bản hướng dẫn quan trọng nhằm giải “bài toán an ninh lương thực” ở châu Á - Thái Bình Dương.