Mối lo “khoảng trống nhân lực” ngành y ở Hàn Quốc

Cuộc khủng hoảng ngành y ở Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết, dù chính phủ nước này đã có nhượng bộ đáng kể, cho phép các trường đại học giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành y. Xứ Kim chi vẫn trong tình trạng căng thẳng y tế, khi nhiều bác sĩ nội trú và thực tập sinh chưa trở lại làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh vắng vẻ tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/4/2024. (Ảnh: YONHAP/TTXVN).
Cảnh vắng vẻ tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/4/2024. (Ảnh: YONHAP/TTXVN).

Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng trong ngành y khi các bác sĩ tập sự đồng loạt nghỉ việc từ ngày 20/2 vừa qua để phản đối kế hoạch của Chính phủ về tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 người, từ năm 2025. Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết tăng chỉ tiêu tuyển sinh để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là ở khu vực nông thôn và trong các lĩnh vực thiết yếu, như phẫu thuật, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.

Do tình trạng “dân số già” cùng nhiều vấn đề khác, ước tính Hàn Quốc thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Trong khi đó, các bác sĩ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, gây tình trạng thừa bác sĩ.

Hệ thống y tế Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc đình công kéo dài hai tháng qua. Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ tập sự đã nghỉ việc. Cuộc đình công đã gây hỗn loạn, các nhân viên y tế phải gồng mình giải quyết những công việc mà các bác sĩ tập sự để lại. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vấn đề này và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gặp người đứng đầu một nhóm bác sĩ tập sự tham gia đình công, song cuộc đối thoại không đạt kết quả đột phá. Các bệnh viện lớn, vốn phụ thuộc nhiều vào các bác sĩ thực tập, đã thiệt hại hàng trăm triệu won mỗi ngày do cuộc đình công.

Để hạ nhiệt căng thẳng, trong quyết định đưa ra mới đây, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo tuyên bố, chính phủ sẽ chấp thuận đề xuất của các hiệu trưởng 6 trường đại học công lập, gồm Gangwon, Kyungpook, Kyungsang, Chungnam, Chungbuk và Jeju, về việc giảm 50% chỉ tiêu tuyển sinh ngành y cho năm học tới. Ngoài ra, các trường cao đẳng y cũng cắt giảm con số tuyển sinh, với tỷ lệ tương tự.

Mối lo “khoảng trống nhân lực” ngành y ở Hàn Quốc ảnh 2

Các giáo sư y khoa biểu tình phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của Chính phủ tại trường Đại học Hàn Quốc ở Seoul ngày 25/3. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo Chính phủ Hàn Quốc, việc chấp thuận đề xuất trên nhằm bảo vệ quyền lợi của sinh viên y khoa và giải quyết tình trạng bế tắc kéo dài trong ngành y và đã mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục. Theo đó, tất cả 32 trường cao đẳng và đại học y trên toàn quốc, nơi phân bổ 2.000 suất tuyển sinh y khoa mới, sẽ cắt giảm một nửa chỉ tiêu được phân bổ ban đầu xuống còn 1.000 suất.

Đây được coi là nhượng bộ lớn của Chính phủ Hàn Quốc, nhưng với các bác sĩ, “cành ô liu” này vẫn chưa đủ. Các bác sĩ cho rằng, chính phủ làm việc này là vì đề xuất của các trường y. Họ khẳng định sẽ không trở lại làm việc, trừ khi chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol loại bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng hạn ngạch sinh viên y khoa và chấp nhận ngồi lại đàm phán từ đầu.

Tân Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) cho rằng, các trường đại học công lập đề xuất thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh ngành y năm 2025 là do không đáp ứng được việc tăng số lượng sinh viên đột ngột, chứ không phải do ý chí của chính phủ. Nghị sĩ Ahn Cheol-soo của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền cũng cho đây chỉ là biện pháp tạm thời, chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề của “những người trong cuộc”.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nhấn mạnh, quyết định của Chính phủ là nhằm hạ nhiệt căng thẳng y tế và hướng đến giải pháp hiệu quả cho tương lai của ngành y trong bối cảnh nhiều bệnh viện lớn trên cả nước phải hủy bỏ nhiều thủ tục khám chữa bệnh và các ca phẫu thuật. Thủ tướng cũng yêu cầu các trường đại học quyết định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào cuối tháng 4 này.

Tuy nhiên, giữa chính phủ và các bác sĩ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và Hàn Quốc vẫn đứng trước mối lo về cuộc đình công của các bác sĩ ngày càng lan rộng, làm gia tăng “khoảng trống nhân lực” trong ngành y, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phúc lợi xã hội.