Bình luận - Phê phán

RSF và cái gọi “xếp hạng tự do báo chí” (Kỳ 1)

Mỗi khi cái gọi là “Tổ chức phóng viên không biên giới” (RFS) công bố bảng “xếp hạng tự do báo chí”, hoặc phê phán tự do báo chí ở Việt Nam là các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lại nhanh chóng hùa theo để vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong khi đó, nhiều năm nay, các nhà báo chân chính và người có lương tri ở phương Tây lại rất bức xúc với lối làm việc mờ ám, không khách quan, rất thiếu trung thực của tổ chức tự xưng vì “nhân quyền” này. Bài tổng thuật gồm hai kỳ của Ngọc Dung sẽ cung cấp tư liệu, ý kiến cụ thể giúp bạn đọc tham khảo.

(Kỳ 1)

Với “Tổ chức phóng viên không biên giới” (RFS), rất nhiều nhà báo uy tín ở phương Tây vẫn khuyên mọi người hãy cẩn trọng khi tiếp cận, vì theo họ, RSF hoạt động trước hết vì lợi ích của một số quốc gia và tổ chức, chứ không phải vì dân chủ và nhân quyền như họ rêu rao. Thí dụ, ngày 29-6-2016, trang NachDenkSeiten đăng bài Phóng viên không biên giới hãy chấm dứt tô vẽ nhằm làm đẹp thực trạng của truyền thông ở phương Tây của A. Mueller (A. Muy-lờ) - nhà báo danh tiếng, từng là Trưởng ban kế hoạch Văn phòng Thủ tướng và dân biểu Quốc hội Đức, từ năm 2003 là tác giả và là đồng sáng lập trang NachDenkSeiten. Trong bài ông cho biết, trước đó bốn tuần, với tư cách thành viên của Công đoàn truyền thông, ông được chuyển đến tận nhà Tạp chí chính trị của Công đoàn kèm theo một bản đồ thế giới với danh sách xếp hạng tự do báo chí của RFS. Đó là một bản áp-phích in mầu, khổ to, với số lượng in 63.000 bản cung cấp thông tin “tình hình tự do báo chí trên thế giới”, và có lẽ còn để phục vụ việc tuyển mộ thành viên, người ủng hộ. Áp-phích này được đánh dấu bằng năm mầu sắc khác nhau thể hiện tình hình tự do báo chí ở các nước. Đức cùng vài quốc gia nằm ở giữa và bắc Âu được tô mầu trắng, thể hiện “tình hình tốt”. Pháp và Ba Lan, Anh, Ni-giê, Chi-lê, Mỹ, Ca-na-đa có mầu vàng, xếp hạng hai, tức là “tình hình khả quan”. Nga, An-giê-ri, Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc, Ai Cập, Ấn Độ, Vê-nê-xu-ê-la, Mê-hi-cô nhuộm mầu đỏ và xếp hạng tư, nghĩa là “tình hình khó khăn”. Giữa màu đỏ và vàng là mầu gần vàng xếp hạng ba, tức là có “vấn đề có thể nhận biết” gồm Bra-xin, Ác-hen-ti-na, I-ta-li-a, U-crai-na, Hung-ga-ri. Các nước I-ran, A-rập Xê-út, Trung Quốc, Xy-ri, Li-bi, Cu-ba bị tô mầu đen, xếp hạng năm, thể hiện “tình hình rất nghiêm trọng”. Theo A.Mueller, thì xem bản đồ một cách tổng thể sẽ thấy theo xếp loại “tự do báo chí” của RFS thì người tốt và kẻ xấu trên thế giới đang ở đâu; nhưng RFS áp dụng những tiêu chí bằng hình thức rất tương đối: quốc gia nào theo RFS là “ngược đãi phương tiện truyền thông và các nhà báo” thì quốc gia đó sẽ bị đưa vào vị trí xếp hạng mầu đen, còn các tập đoàn phương tiện truyền thông cỡ lớn ngược đãi các nhà báo, thì được gọi là “tự do báo chí”!

A.Mueller cho rằng ở CHLB Đức có sự tích tụ rất lớn phương tiện truyền thông vào tay vài ông chủ như tập đoàn Springer, Bertelsmann, Holtzbrinck, Burda, Schaub và một loạt nhà độc quyền khu vực, nhóm độc quyền. Ở đây, chủ sở hữu phương tiện truyền thông dùng quyền lực đày đọa các nhà báo, các ông chủ này chỉ bị chi phối bởi quyền lợi chính trị và kinh tế. Cổng Internet Dịch vụ báo chí nhân đạo ngày 21-6-2016 đưa tin về một trường hợp như vậy với tên bài Tự do báo chí - Một biên tập viên trung trực của tờ Suedkurier bị cho ra rìa về việc một nhà báo có uy tín bị xử lý vì thẳng thắn lên tiếng không né tránh các quyền lợi chính trị của thị trưởng TP Konstanz (Khon-xừ-thăn-xư) và các quyền lợi kinh tế của nhà xuất bản. Đây là hiện tượng điển hình phổ biến có thể tìm thấy ở nhiều vùng của nước Đức: tự do báo chí đang thật sự bị chà đạp bằng bàn chân, trong khi đó những bài hát ca ngợi tự do báo chí theo hình thức vẫn được hát vang lên… Các nhóm độc quyền và nhà độc quyền khu vực thường gộp các phương tiện truyền thông như ấn phẩm báo in, đài phát thanh ở khu vực và địa phương,… thành một tổ hợp. Hậu quả là các chính trị gia địa phương trong nhiều khu vực của Đức được kèm cặp bởi một chủ sở hữu phương tiện truyền thông duy nhất.

Cũng theo A.Mueller thì vai trò và quyền lực của các công ty quan hệ công chúng (PR) có lẽ chưa (không) được xem xét một cách đầy đủ khi RFS đánh giá và phân loại. Trên hệ thống truyền thông ở Đức, các chiến dịch được lên kế hoạch và thi hành để tác động đến các quyết định chính trị, qua đó tự do báo chí đúng nghĩa bị xóa bỏ, nhưng điều đó không để lại dấu vết trên bản đồ phân loại của RFS. Các mạng lưới xuyên Đại Tây Dương có tác động rất đáng kể đến việc đưa tin, kiến tạo dư luận trên truyền thông chắc chắn không được xem xét và lưu ý. Rồi thực tế cuộc tranh giành thính giả, khán giả giữa các đài phát thanh, truyền hình thương mại, các đài công cộng khác nhau, không dẫn đến sự đa dạng, mà chỉ dẫn đến đơn giản hóa và đồng nhất có lẽ đã không được người ký, người vẽ, nhà phân phối bản đồ thế giới của RFS quan tâm. Tác động của các tập đoàn truyền thông lớn, của các ông trùm truyền thông ở những nước có tự do báo chí theo hình thức rõ ràng là không được cân nhắc thận trọng. Ở Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, các ông trùm như Murdoch (Mu-đốc) có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống truyền thông, và họ sử dụng để áp đặt lợi ích riêng. Song điều đó lại không phải là một trở ngại để RFS nhuộm mầu vàng các nước này và đánh dấu vị trí tự do báo chí là “tình hình khả quan”!

A.Mueller cho biết, sau hai lần đến thăm Cu-ba, ông không muốn ngạo mạn đánh giá về tình hình thực tế của các nhà báo, nhưng ông có thể ước đoán một cách tương đối tốt về mức độ tự do ngôn luận, tốt hơn nhiều so với quả quyết của nhiều người ở Đức và nhất là của truyền thông Đức. Ông chưa thể đánh giá mức độ tự do báo chí, nhưng xếp Cu-ba trong hạng mục thứ năm và là tồi tệ nhất bằng mầu đen - trong khi Mỹ được xếp hạng tốt thứ hai (mầu vàng) và được nhận xét “tình hình khả quan”, ít nhất cho thấy sự nông cạn trong việc phân loại của RFS. Từ các nhận xét này, A.Mueller kết luận: Có lẽ việc RFS công bố một “bản đồ tự do báo chí thế giới” như vậy chỉ là hành động tuyên truyền, vì mục đích tuyên truyền. A.Mueller coi đó là điều rất đáng tiếc, ngoài việc trình bày tự do báo chí trên thế giới một cách mờ ám qua một tấm bản đồ, thì việc RFS phân tán rộng rãi bản đồ này là có vấn đề, vì sự phân chia thành hai phía với người tốt và kẻ xấu có thể gây tổn hại xấu tới uy tín, danh tiếng của các nước có liên quan.

Cũng về cái gọi là “bản đồ tự do báo chí của RFS”, ngày 20-4-2016 nhà báo T.Bettels-Schwabbauer (T.Bết-thê-Sừ-váp-bau-ơ), biên tập viên quản lý trang web EJO, nhà nghiên cứu ở Viện Báo chí quốc tế Brost Erich (Bờ-rốt E-rích) thuộc Đại học tổng hợp Dortmund (Đót-mun) đăng trên trang EJO bài Danh sách xếp hạng tự do báo chí: Đức ở vị trí thứ 16. Bà cho biết bảng xếp hạng của RFS dựa trên những câu trả lời qua bản ghi 87 câu hỏi của RFS với 20 ngôn ngữ gửi đến hàng trăm nhà báo, nhà nghiên cứu, luật gia, “người bảo vệ nhân quyền”,… được chia thành các chủ đề: sự đa dạng phương tiện truyền thông; tính độc lập của phương tiện truyền thông; môi trường làm việc báo chí và tự kiểm duyệt; khuôn khổ pháp lý, tính minh bạch của cơ quan công quyền; cơ sở hạ tầng sản xuất. Những câu trả lời có điểm từ 0 (tốt nhất) đến 100 (tồi tệ nhất) mà bảng phân loại đưa ra.

Các nhà khoa học luôn cảnh báo phải thận trọng với phương pháp điều tra và tiếp cận bảng xếp hạng của RFS, trong đó có bà L.Schneider (L.Sừ-nai-đờ) - nhà nghiên cứu truyền thông. Trong sách hướng dẫn của Học viện Làn sóng Đức (Akademie DW), bà L. Schneider đề cập năm chủ đề trong “bảng xếp hạng tự do báo chí” của RFS, và đặt câu hỏi: Liệu bảng xếp hạng có thật sự thuyết phục? Bà nhấn mạnh, việc đánh giá 180 quốc gia là rất chủ quan, vì dựa trên ý kiến của rất ít người. Ở các nước châu Âu, RFS dựa vào các chuyên gia (khoảng 50 người ở Pháp, 20 người ở Đức) nhưng ở các nước châu Phi, chỉ có một đến năm người trả lời các câu hỏi cho mỗi nước. Bà lưu ý, để trả lời 87 câu hỏi phải có một kiến thức rất rộng lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, xuất hiện một điều đáng lo ngại là liệu người được hỏi có thể trả lời mọi câu hỏi một cách rõ ràng, thấu đáo, chính xác? Bà cũng chỉ ra rằng, các câu hỏi và các vấn đề cũng như tầm quan trọng của chúng chủ yếu chỉ dựa trên quan điểm của số ít nhân viên RFS, tất cả đều sống ở Pháp và hầu hết có xuất xứ gốc châu Âu! (Ghi chú: EJO là viết tắt của European Journalism Observatory - Đài quan sát báo chí châu Âu. Đây là một viện nghiên cứu phương tiện truyền thông ra đời vào năm 2004 với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa khoa học truyền thông và thực hành, thúc đẩy quan hệ giữa các nhà nghiên cứu về phương tiện truyền thông, các chuyên gia truyền thông ở Mỹ và châu Âu. Với mục đích công bố các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông, thăm dò các thực hành tốt nhất trong nghề báo và phân tích các xu hướng của ngành công nghiệp truyền thông, EJO phấn đấu cho sự hiểu biết tốt hơn về các phương tiện truyền thông, và đóng góp cho tự do báo chí).

Nhà chính luận, nhà báo V.Braeutigam (V.Bờ-reu-ti-gam) người có 10 năm là biên tập viên thuộc Ban biên tập trung tâm chương trình Thời sự của Đài truyền hình công cộng số 1 CHLB Đức (ARD), sau đó làm biên tập viên Đài truyền hình công cộng NDR, từ khi nghỉ hưu ông thường xuyên viết bài cho tạp chí Ossietzky xuất bản ở Berlin (Béc-lin). Ngày 4-5-2006, trong bài Phóng viên không giới hạn sự xấu hổ, ông nhấn mạnh: RFS thành lập năm 1985 tại Marseille (Mác-xây), và ngay cái tên của “tổ chức nhân quyền” tự xưng này cũng chỉ là bản sao rẻ mạt.

(còn nữa)