Thị xã Hoài Nhơn là một trong những điểm sáng về việc hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Bình Định. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hoài Nhơn đã tranh thủ các nguồn kinh phí để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 230 căn nhà Đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ hàng chục hộ nghèo, hộ chính sách xóa nhà tạm từ nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí khác. Mới đây, thị xã đã phát động đợt thi đua cao điểm 200 ngày toàn dân xây dựng thị xã Hoài Nhơn không còn hộ nghèo; không còn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Niềm vui trong những ngôi nhà mới
Trong căn nhà khang trang còn mùi sơn mới, bà Trần Thị Tuyết Hiền (khu phố 2, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn) cho biết, niềm mơ ước suốt nhiều năm qua của gia đình đã thành hiện thực. Căn nhà của gia đình xuống cấp nặng, ngày mưa, gió sinh hoạt rất khó khăn. Được chính quyền và nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa nhà, gia đình đã mạnh dạn mượn thêm hơn 100 triệu đồng để xây dựng lại ngôi nhà. Tương tự gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở khu phố Lại Khánh, phường Hoài Đức vừa được nhận bàn giao căn nhà mới trong niềm vui lớn. Bà Hương cho biết, bà năm nay đã hơn 70 tuổi và không nghĩ mình ở tuổi này còn có được căn nhà che mưa, che nắng đúng nghĩa.
Ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hoài Nhơn cho biết, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện cùng các hội, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở đã rà soát kỹ các hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với yêu cầu “ba không” (không sai đối tượng; không bỏ sót đối tượng; không để xảy ra đơn thư, khiếu kiện trong và sau quá trình triển khai thực hiện). Bên cạnh đó, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý về đất ở để xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, phấn đấu đến tháng 3/2025, thị xã không còn hộ nghèo, không còn nhà ở đơn sơ, dột nát.
Tại huyện Vân Canh, bà Phạm Minh Hảo, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết, thời gian qua trên địa bàn triển khai các chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như thực hiện Quyết định số 3336/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh nên đã xây dựng được nhiều căn nhà mới cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện kêu gọi sự chung tay từ Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị-xã hội, cá nhân hảo tâm để hỗ trợ hộ nghèo.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Canh thông tin, thực hiện Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 20/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, huyện đã ban hành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025. Hiện nay Vân Canh có 412 hộ (gồm 292 hộ nghèo; 120 hộ cận nghèo), trong đó cần xây dựng mới nhà ở cho 284 hộ; sửa chữa nhà ở cho 138 hộ. Đây đều là những hộ nghèo, hộ cận nghèo có trong danh sách do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý hằng năm chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc theo quy định tại Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Xây dựng. Ngoài ra, các đối tượng này cũng chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội hoặc tổ chức xã hội khác. Trong trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ khác thì phải thuộc các đối tượng như nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra (bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa hay xây dựng lại). Hiện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đang phối hợp chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; đồng thời, thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm đúng mục tiêu và yêu cầu.
Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau
Một điểm đáng chú ý trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Bình Định, đó là, sự tham gia và đóng góp tích cực của cộng đồng. Những câu chuyện về sự giúp đỡ, tương trợ giữa các hộ dân, sự nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã tạo nên những hình ảnh đẹp và cảm động. Anh Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở thị xã Hoài Nhơn chia sẻ: “Khi biết có chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, tôi đã đóng góp một phần nhỏ từ tiền lương của mình. Dù số tiền không lớn, nhưng tôi hy vọng sẽ giúp được phần nào đó cho các gia đình khó khăn có được mái ấm khang trang hơn”.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng là dịp để tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng. Ông Trần Văn Thành (phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn) chia sẻ, việc chung tay giúp đỡ nhau trong chương trình này đã gắn kết cộng đồng hơn. Mọi người không chỉ giúp nhau về vật chất mà còn là sự động viên tinh thần, cùng nhau vượt qua khó khăn. Điều này đã tạo nên tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng, góp phần làm cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Bình Định thêm phần ý nghĩa và thành công.
Thực tế, khi không còn lo lắng về nhà cửa, người dân có thể dành nhiều thời gian, công sức hơn vào lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Từ năm 2019 đến năm 2024, Bình Định thực hiện hỗ trợ cho 7.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó, có 5.905 hộ được hỗ trợ xây dựng mới và 1.424 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Qua đó góp phần bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được nơi ở an toàn, từng bước vươn lên thoát nghèo. Theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh sẽ dành 46,85 tỷ đồng để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.056 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, có 818 hộ được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ gia đình; 238 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ gia đình.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khẳng định, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm tới chỗ ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng chí yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, nhanh chóng vào cuộc giải quyết các vướng mắc trong việc xóa nhà tạm ■