Biến vùng chua mặn thành vựa lúa

Bao năm dài, Đồng Tháp Mười là vùng đất chua mặn, hoang hóa. Sau nhiều nỗ lực của con người, nhất là với công trình khoa học "Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980 - 1987" do PGS, TS Hồ Chín làm chủ biên, nơi được coi là "vùng đất chết" đã trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước...

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh Long An. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh Long An. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Theo PGS, TS Hồ Chín, Viện Địa lý tài nguyên TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CN Việt Nam) thì trước năm 1975, Đồng Tháp Mười là vùng đất hoang hóa lâu đời. Người ta cũng đã tiến hành khai khẩn, đào các kênh mương dẫn thủy nhập điền nhưng không hiệu quả. Sau năm 1975, một thời gian khá dài, vùng Đồng Tháp Mười (bao gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) vẫn trong tình trạng thiếu nước về mùa khô còn mùa mưa lũ thì nước dâng cao và ngập lâu. Trong tổng diện tích hơn 700 nghìn ha, vùng hoang hóa, nhiễm phèn nặng chiếm khoảng 350 nghìn ha (50%); diện tích có thể trồng lúa chỉ chừng 180 nghìn ha và chủ yếu vẫn là lúa mùa nước nổi, năng suất thấp.

PGS Hồ Chín nhớ lại đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nhóm nghiên cứu do ông "cầm trịch" nhận được không ít ý kiến bàn ra tán vào. Nhưng nhờ sự kiên trì lại tập hợp được một số nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác như địa chất, thổ nhưỡng, thực vật, động vật... cùng chung sức cho nên đề tài tiếp tục được triển khai, thực hiện. Nhiều tháng trời ông và các nhà khoa học cùng lội ruộng với bà con nông dân Đồng Tháp, Long An, có khi xa hàng chục cây số để điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên cũng như tác động của thiên nhiên ở vùng đất này. Được sự giúp đỡ của người dân địa phương, nhóm nghiên cứu do PGS Hồ Chín chủ trì đã phân tích quy luật thành tạo, tìm ra bản chất và sự phân bố trầm tích đệ tứ; phát hiện ra các dạng trầm tích đầm lầy - biển hay trầm tích biển - đầm lầy hỗn hợp, trầm tích sông - đầm lầy... để cuối cùng xác định được nguồn gốc đất phèn và phù sa không phèn. Về mặt thổ nhưỡng, qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được năm nhóm đất chính, trong đó nhóm đất phèn được phân loại thành năm đơn vị đất phèn hoạt động và năm loại đất phèn tiềm tàng. Bằng sự điều tra và phân tích tỉ mỉ, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được ảnh hưởng của sông Tiền và vai trò phân phối lại chế độ nước trong mùa khô cũng như tiêu thoát nước trong mùa lũ của hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây...

Trên cơ sở điều tra hiện trạng sử dụng đất của người nông dân ở thời điểm nghiên cứu, PGS Hồ Chín và các nhà khoa học đã đánh giá tiềm năng đất đai, khả năng thích nghi các loại cây trồng, đề xuất các phương pháp canh tác phù hợp thay cho tập quán canh tác lạc hậu bao đời ở vùng đất này. Bởi vậy, đến năm 1990 từ một vùng đất hoang hóa, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật yếu kém, vùng Đồng Tháp Mười đã có sự đổi thay trông thấy. Từ chỗ người dân quanh năm chỉ biết trông chờ vào một vụ lúa năng suất quá thấp và lúa mùa nổi đã chuyển sang sản xuất hai vụ đông xuân, hè thu, nâng năng suất lên năm, bảy tấn/ha. Rồi năm, bảy năm gần đây thêm vụ thu đông cho năng suất đạt chín, mười tấn/ha ăn chắc. Chỉ tính trong khoảng 10 năm, diện tích gieo trồng lúa tăng từ 312 nghìn 587 ha (1988) lên gần 625 nghìn 350 ha (1998). Theo đó sản lượng lúa tăng từ hơn một triệu tấn năm 1988 lên hơn 2,7 triệu tấn năm 1998. Đồng thời cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và đời sống văn hóa của người dân vùng Đồng Tháp Mười ngày càng cải thiện.

Công trình "Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980 - 1987" do PGS Hồ Chín chủ trì cũng vinh dự nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2013. Mồ hôi, công sức của các nhà khoa học cùng với người dân, các cấp chính quyền đã góp phần làm thay da, đổi thịt một vùng đất vốn bao đời sình lầy, hoang hóa, biến vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trong đó có các địa phương Đồng Tháp Mười nói riêng trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước.

PGS, TS Phạm Huy Tiến (Viện HLKH và CN Việt Nam) đánh giá: Công trình khoa học của PGS Hồ Chín có thể xem là mẫu mực cho điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng. Kết quả nghiên cứu khoa học về các mặt địa chất, thổ nhưỡng, sinh học, thủy văn... vẫn còn giá trị đến ngày nay. Đây cũng chính là luận cứ khoa học để Chính phủ ban hành Chỉ thị 74/CP (năm 1988) về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười trong kế hoạch 1988 - 1990", đồng thời đóng góp quan trọng vào chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười của Chính phủ giai đoạn 1987 - 1997. Còn GS Tôn Thất Chiểu - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì cho rằng: Sự thành công của công trình khoa học này, trước hết kết hợp được ba yếu tố: Tầm nhìn của lãnh đạo (Chính phủ và chính quyền ba tỉnh); các nhà khoa học chuyên ngành có tầm cỡ đã đóng góp trí tuệ vào công trình chung; quần chúng nhân dân hưởng ứng và hợp tác thực hiện. Công trình đã bám sát thực tiễn, có những sáng tạo trong quá trình nghiên cứu vì vậy đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân...

Có thể bạn quan tâm