Vì sao trẻ em dễ mắc bệnh tai mũi họng?
Tại hội nghị “Cập nhật chẩn đoán-điều trị tai-mũi-họng-thính học và phẫu thuật đầu-cổ 2024” do Hội Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia cho biết, tai mũi họng là nhóm bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em. Do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đặc biệt là hiện tượng El Nino khắc nghiệt hiện nay càng làm tăng tính nghiêm trọng của bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em.
Trong các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của trẻ em trên thế giới. Các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng phổ biến bao gồm: Viêm mũi họng cấp, viêm Amidan, viêm tai giữa, viêm mũi xoang.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Kiên Hữu, Chủ tịch tại Mũi họng TP Hồ Chí Minh cho hay, tại các tỉnh phía nam, mùa lạnh, tỷ lệ viêm đường hô hấp gia tăng ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hoàng Yến, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, tai, mũi và họng là những cơ quan có cấu trúc và cơ chế hoạt động phức tạp và có liên quan đến nhau. Do vị trí cửa ngõ của đường hô hấp, tai mũi họng là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với không khí và thức ăn hàng ngày, đồng thời với cả các tác nhân gây bệnh như khói bụi, vi khuẩn, virus… Các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng phổ biến thường gặp như viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm mũi xoang,…
Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hoàng Yến, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện 115. |
Nhiễm trùng tai mũi họng phổ biến ở đối tượng trẻ em và thường xuyên tái phát nhiều lần. Nếu không được điều trị dứt điểm, chúng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cầu thận, viêm màng não, viêm xương chũm, biến chứng nội sọ,...
Theo bác sĩ Hoàng Yến, trẻ em dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng có thể do những khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu đã được chứng minh rằng 57% trẻ em bị viêm đường hô hấp tái phát (ít nhất ba đợt một năm trong ít nhất 2 năm) bị thiếu một trong các kháng thể IgG và 17% bị thiếu IgA. Thiếu kháng thể IgG khá nổi bật ở trẻ nhỏ, cho thấy sự non nớt của hệ thống miễn dịch và là một trong những yếu tố có thể gây bệnh.
Các khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch và thiếu hụt IgA được biết là có liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên do vi khuẩn và virus gây ra.
Ngoài ra, trẻ có thể chịu những ảnh hưởng của môi trường bên ngoài như ô nhiễm, khí hậu thay đổi cộng thêm những tổn thương do Covid-19 làm suy giảm chức năng hô hấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng.
Giúp trẻ em giảm tỷ lệ nhiễm bệnh viêm hô hấp cấp
Tại hội nghị, các chuyên gia cho hay, vaccine và ly giải vi khuẩn là giải pháp quan trọng trong phòng, chống nhiễm khuẩn tai mũi họng.
Theo bác sĩ Lâm Hoàng Yến, vaccine có vai trò quan trọng phòng ngừa nhiễm khuẩn tai mũi họng ở trẻ. Vaccine giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện các kháng nguyên gây bệnh, nhờ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể bạn, khiến cơ thể tạo ra kháng thể đối với căn bệnh cụ thể đó hoặc gây ra các quá trình khác giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
Đối với các bệnh lý nhiễm khuẩn tai mũi họng, nguyên nhân chủ yếu có thể là do vi khuẩn hoặc do virus. Đối với nguyên nhân gây bệnh tai mũi họng là virus, trẻ có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vaccine cúm hàng năm để phòng ngừa.
Còn đối với nguyên nhân là vi khuẩn, ngoài vaccine phế cầu còn các rất nhiều các loại vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh tai mũi họng khác như phế trực khuẩn, tụ cầu vàng, liên cầu,.. chưa có vaccine đặc hiệu. Ly giải vi khuẩn sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp cơ thể nâng cao khả năng phòng thủ.
Bác sĩ chuyên khoa II Yến cho biết, ly giải của vi khuẩn đã được sử dụng từ những năm 1970 trên thế giới như là vaccine đường uống để phòng ngừa và điều trị viêm đường hô hấp. Ly giải vi khuẩn được tạo thành bởi một hỗn hợp các kháng nguyên vi khuẩn có nguồn gốc từ các loài vi khuẩn khác nhau thường gây ra bệnh lý tai mũi họng.…
Ly giải vi khuẩn chính là những mảnh vỡ của tế bào vi khuẩn nên không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ được các đặc trưng của vi khuẩn; khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể, chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh. Đây là cơ chế gần giống với các dạng vaccine.
Do đó, sử dụng ly giải vi khuẩn với dạng viên ngậm kích thích cơ thể sản sinh kháng thể tại vị trí dùng như niêm mạc mũi họng, khoang miệng, chống lại vi khuẩn gây bệnh tai mũi họng. Việc sử dụng ly giải vi khuẩn kết hợp với vitamin C dẫn đến sự gia tăng đáng kể bạch cầu ngay cả khi có nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
"Theo nghiên cứu, sử dụng kết hợp ly giải vi khuẩn và vitamin C có thể giúp giảm tới 50% tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cấp”, bác sĩ Lâm Hoàng Yến cho biết.
Việc phòng ngừa sớm bệnh hô hấp sẽ giảm tỷ lệ chuyển nặng, giảm chi phí điều trị và giảm tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.