Số ca nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao

Trong 10 tháng năm 2023, các bệnh viện nhi đồng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 238.000 ca khám bệnh hô hấp, trung bình mỗi tháng có từ 18.000-23.000 ca khám. Đáng chú ý, trong tháng 10 số ca tăng đột biến, lên đến 35.300 ca khám, đã tiếp nhận hơn 39.000 ca nhập viện, có 223 ca tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong tháng 10 đã tiếp nhận khám ngoại trú gần 5.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn, hen phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, khoảng 7-8% trong số này phải nhập viện. Một số ca bệnh diễn tiến nặng, phải thở CPAP (thở ô-xy dòng cao), thở máy, thậm chí can thiệp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Từ tháng 10 tới nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng gấp 1,5 lần. Các bệnh lý liên quan hô hấp tăng đột biến gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi bội nhiễm. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay, thời tiết thay đổi, khiến số ca bệnh hen suyễn cũng tăng. Trẻ nhập viện hầu hết đều dưới 6 tháng tuổi.

Bệnh viêm hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em, diễn tiến theo mùa ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, thường tăng cao vào tháng 10 đến tháng 12 hằng năm. Số liệu tổng hợp từ các bệnh viện trong 10 tháng năm 2023 cho thấy, bệnh nhi bị viêm hô hấp cấp điều trị ngoại trú, nội trú và tử vong thấp hơn cùng kỳ so với các năm trước dịch Covid-19 (từ năm 2015-2019).

Mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong những tháng cuối năm 2023, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm hô hấp tại các trường học trong những tháng gần đây. Hiện tượng tăng số ca bệnh viêm hô hấp trong những tháng gần đây tại các bệnh viện nhi của thành phố Hồ Chí Minh là hiện tượng tăng theo chu kỳ hằng năm của các bệnh thường gặp ở trẻ em.

Tác nhân gây bệnh không có gì thay đổi, chủ yếu vẫn là các loại vi-rút thường gặp, trong đó vi-rút cúm là một loại vi-rút đã có vắc-xin dự phòng. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ: “Hằng năm, bệnh hô hấp diễn ra vào mùa mưa, từ tháng 8-10 và đầu tháng 11 là đỉnh cao. Thế nhưng, năm nay bệnh diễn tiến kéo dài đến cuối tháng 11 và sang tháng 12 mới giảm. Nguyên nhân, có thể có sự trùng lặp giữa tác nhân gây bệnh hô hấp và tác nhân gây dịch bệnh khác như cúm. Thực tế đã có khá nhiều bệnh nhân có triệu chứng cúm như ho, sốt và sổ mũi”.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trước tình hình viêm hô hấp gia tăng, ngành y tế thành phố đã tổ chức hội ý chuyên gia các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) để đánh giá nguyên nhân và đã có cùng nhận định: Vi-rút vẫn là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm hô hấp cấp tính.

Ngoài ra, thời tiết chuyển mùa đã dẫn đến việc tăng số lượng ca bệnh và hiện tại không ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường. Các tác nhân được tìm thấy qua xét nghiệm bao gồm vi-rút cúm mùa, RSV, Entero vi-rút. Các vi khuẩn H. Influenza, Strep. pneumonia và Mycoplasma pneumonia cũng là các tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp trong nhiều năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh chính hiện nay là chú ý rửa tay sạch sẽ, vì bệnh thường lây qua bàn tay nhiễm bẩn; luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi; tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, khuyến khích tiêm các vắc-xin cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện; trẻ em có bệnh lý nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm nguy cơ chuyển nặng khi bị viêm hô hấp; người đang có các triệu chứng viêm hô hấp nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người chung quanh, nhất là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền.