Trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: "Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội;...".
Yêu cầu này xuất phát từ thực tế, các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, chưa thật sự tôn trọng ý kiến của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Tầm nhìn của Đảng, khát vọng của nhân dân
Đổi mới phương thức lãnh đạo, ngay từ bước khởi đầu là hoạch định cương lĩnh, đường lối, chủ trương, xây dựng sự đồng thuận xã hội là yêu cầu cũng là mục tiêu mà Đảng ta luôn kiên trì thực hiện. Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương ghi nhận rằng nghị quyết của các cấp ủy nhanh chóng đi vào cuộc sống khi phản ánh đúng quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và nhân dân sẵn sàng tiếp nhận, tích cực ủng hộ, nhiệt tình thực hiện.
Thành ủy Hải Phòng không ban hành các nghị quyết dàn trải, mà tập trung vào những định hướng lớn, đáp ứng yêu cầu giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn. Tỉnh ủy Hòa Bình lựa chọn chủ đề các nghị quyết từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sau khi sơ kết, tổng kết thực hiện các chủ trương trước đó, từ các cuộc khảo sát, đối thoại trực tiếp với các tổ chức, đại diện nhân dân.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, ngay từ bước khởi đầu là hoạch định cương lĩnh, đường lối, chủ trương, xây dựng sự đồng thuận xã hội là yêu cầu cũng là mục tiêu mà Đảng ta luôn kiên trì thực hiện.
Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc, diện tích rộng nhưng chủ yếu là địa hình đồi núi, có 88% dân số là dân tộc thiểu số. Điều kiện hạ tầng hạn chế, giao thông không thuận lợi, nguồn lực địa phương yếu, nên việc tìm lời giải cho bài toán "thoát nghèo" luôn là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh. Những nhiệm kỳ gần đây, khá nhiều nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khởi nguồn từ tầm nhìn kiên trì và chủ động, quyết tâm khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, luôn có ý chí vươn lên của nhân dân, thu hút đầu tư, tạo tiền đề phát triển toàn diện.
Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ: Sự đồng thuận xã hội giúp quá trình triển khai các nghị quyết nhanh chóng, hiệu quả. Do vậy, khi ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế-xã hội, các cơ quan chức năng của tỉnh đều tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các ban, ngành, địa phương. Tâm tư, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, được ghi nhận, thể hiện trong từng mục tiêu, giải pháp của các nghị quyết.
Triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đến nay, Bắc Kạn có 352 hợp tác xã, trong đó có 299 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu của các hợp tác xã tăng bình quân 180%, lợi nhuận tăng 150%, thu nhập tăng 200% so với năm 2016. "Quả ngọt" là toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, đều là các sản phẩm liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với nông dân.
Có 2 hợp tác xã ở vùng cao đã xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản và châu Âu. "Quả ngọt" thể hiện những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và chất lượng điều hành kinh tế là sự vươn lên đột phá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, vươn lên thứ hạng 35/63 tỉnh, thành phố (năm 2018, Bắc Kạn đứng thứ 60). Trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho khoảng 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5.000 tỷ đồng, cao hơn số dự án 5 năm trước đó cộng lại.
Truyền cảm hứng, lan tỏa sức mạnh tổng hợp
Quảng Ninh đang thể hiện dấu ấn phát triển mạnh mẽ khi cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa. Năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 8.200 USD, cao nhất khu vực phía bắc. Giai đoạn 2020-2022, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 156,2 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn ở trong nhóm dẫn đầu cả nước. Khởi nguồn của những thành quả này là sự quyết liệt, đột phá, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, bằng việc xây dựng và thực hiện Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế.
Các định hướng, chương trình hành động, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đều đột phá từ việc khó, tháo gỡ "nút thắt", khơi thông "điểm nghẽn". Từ đây, niềm tin và khát vọng của nhân dân, doanh nghiệp trở thành nguồn lực và động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước có ngày chuyển đổi số, là ngày 31/12 hằng năm. Sự kiện này cùng với các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, lan tỏa ý thức chuyển đổi số sâu rộng trong nhân dân, để chuyển đổi số trở thành việc làm thường trực và thực chất của từng người dân.
Sau hơn 2 năm, tỉnh đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) với 11 nền tảng công nghệ số và ứng dụng công dân số Thái Nguyên "C-ThaiNguyen" thu hút hơn 225 nghìn lượt cài đặt, sử dụng. Nền tảng xã hội số "Thai Nguyen ID" cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu. 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Hơn 1.000 sản phẩm đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, trong đó có 129 sản phẩm OCOP; hơn 17.000 hộ sản xuất nông nghiệp đã được mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Năm 2021, xếp hạng về chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố: Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chỉ số Chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc.
"Bí quyết" thành công của Thái Nguyên là lan tỏa quyết tâm, tinh thần quyết liệt chuyển đổi số, từ nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên tạo dựng sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Tỉnh tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức chuyển đổi số đối với hệ thống chính trị, lãnh đạo các doanh nghiệp.
Phong cách lãnh đạo dân chủ, coi trọng việc nêu gương
Xác định cương lĩnh, đường lối, chiến lược đúng đắn, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, sẽ bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, khảo sát tại các địa phương, đơn vị ghi nhận, phong cách lãnh đạo dân chủ, coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tạo tính thuyết phục cao đối với quần chúng nhân dân, dễ dàng đạt được sự đồng thuận xã hội, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phong cách lãnh đạo dân chủ, gần dân, sát cơ sở thể hiện rõ nét trong hoạt động của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng 4 tăng (sự hài lòng, ứng dụng công nghệ thông tin, trách nhiệm, minh bạch); 2 giảm (chi phí, thời gian) và 3 không (phiền hà sách nhiễu, bổ sung hồ sơ quá 1 lần và không trễ hẹn).
Xác định cương lĩnh, đường lối, chiến lược đúng đắn, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, sẽ bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre phân công các Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ hỗ trợ cơ sở.
Việc nắm tình hình cơ sở thực hiện theo nội dung: 4 nắm (tổ chức, con người, quy chế, nghị quyết); 4 góp ý (phản ánh những vấn đề của cơ sở cho ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện, nội dung không được sao chép báo cáo của xã; phản ánh, kiến nghị với ngành chuyên môn cấp tỉnh những vấn đề cơ sở đặt ra; góp ý với lãnh đạo huyện trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cơ sở; góp ý với đảng ủy xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị); 3 kiểm (kiểm tra tình hình, mức độ chuyển biến trong công tác của đảng ủy xã trong từng thời điểm; kiểm tra việc chỉ đạo của ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện trong việc giải quyết những ý kiến, đề xuất như thế nào; kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý của huyện ủy đối với những phản ánh, kiến nghị ra sao).
Đầu năm 2016, Điện Biên có 5,23% thôn, bản chưa có đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các cấp ủy viên phụ trách từng thôn, bản, bám sát địa bàn, giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở giải quyết những khó khăn trong chỉ đạo, điều hành. Từ sự nêu gương của đội ngũ cấp ủy viên ở cơ sở, lan tỏa tinh thần tiên phong, vượt khó. Với sự kiên trì, bền bỉ của cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, Điện Biên đã hoàn thành công việc xóa tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên.
Giám sát, phản biện, phát huy vai trò của nhân dân
Sự hài lòng của người dân là thước đo năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Sự đồng thuận của nhân dân thể hiện niềm tin đối với Đảng, với chế độ do Đảng lãnh đạo.
Do vậy, xây dựng sự đồng thuận xã hội là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị.Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ cấp ủy cơ sở có chung nhận thức rằng, coi trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là làm sao cho các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách nhanh nhất, thiết thực, phục vụ lợi ích chính đáng của người dân, từ đó người dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng thực hiện.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nâng cao nhận thức, vào cuộc quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nói đi đôi với làm, gần dân, trọng dân, hiểu dân, tin dân, chủ động đối thoại với nhân dân. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tiễn, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình địa phương.
Quá trình thực hiện và kiểm tra, giám sát có sự phối hợp chặt chẽ, chú trọng tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng chính là thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải đi đúng đường lối quần chúng, biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng".