Biên Hòa nỗ lực tự làm mới mình, hướng đến phát triển vững chắc

Biên Hòa là một thành phố với nhiều khu, cụm công nghiệp, tập trung đầu mối giao thông quan trọng của Vùng trọng điểm kinh tế ở phía nam, đồng thời, có vai trò đô thị đối trọng, hỗ trợ cho đô thị hạt nhân vùng là Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong ba cực của tam giác tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Vũng Tàu.

0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Hồ Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Thành ủy Biên Hòa (thứ 5 từ phải qua) kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đồng chí Hồ Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Thành ủy Biên Hòa (thứ 5 từ phải qua) kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Với dân số đông đúc trên 1,2 triệu người, thành phố Biên Hòa hội tụ điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên, cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, hạn chế, vấn đề cấp bách, đòi hỏi giải pháp, hành động “hóa giải” thực chất, hiệu quả. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Thành uỷ Biên Hoà.

Cần khẩn trương “trả nợ”, nâng chất lượng hàng loạt tiêu chí đô thị loại I

Phóng viên: Nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Biên Hòa mới chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đồng chí luôn trăn trở câu chuyện “trả nợ” nhiều tiêu chí đô thị loại I trước yêu cầu chỉnh trang thành phố phát triển xứng tầm với sứ mệnh trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của tỉnh Đồng Nai. Đồng chí có thể chia sẻ thêm suy nghĩ, ý tưởng, lộ trình cụ thể… chung quanh vấn đề này?

Đồng chí Hồ Văn Nam: Ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2488 công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I. Mặc dù vậy, qua gần 10 năm xây dựng, phát triển của một đô thị loại I, đến nay Biên Hòa vẫn còn nhiều tiêu chí chưa thực sự xứng tầm, thậm chí một số tiêu chí còn “nợ” theo quy chuẩn của đô thị loại I như: nhà ở xã hội, hệ thống giao thông, hạ tầng thoát nước, trường học, bãi đậu xe, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí cho người dân và dịch vụ tiện ích phục vụ cộng đồng…

Đây cũng là điều mà khi về nhận nhiệm vụ với vai trò là Bí thư Thành ủy Biên Hòa từ tháng 9/2023, bản thân tôi rất trăn trở và cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước hoàn thiện các tiêu chí, từ đó tạo bước đột phá để Biên Hòa trở thành một trong những thành phố vệ tinh, thành phố chiến lược khu vực phía Nam cũng như của cả nước.

Theo tôi, để thực hiện thành công những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với đô thị Biên Hòa cũng cần có lộ trình cùng với một quyết tâm chính trị lớn, trong đó cán bộ là then chốt có vai trò quyết định đến sự hiệu quả và thành công.

Vì thế, bên cạnh tập trung công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc thực hiện các tiêu chí của đô thị loại I, Thành ủy Biên Hòa cũng đã chỉ đạo công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ ngay từ Đại hội các cơ sở Đảng nhiệm kỳ mới hướng đến Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025-2030.

Qua đó để có được đội ngũ cán bộ trách nhiệm dám nghĩ, dám hành động và quyết tâm làm, nhằm phấn đấu đến năm 2027 các tiêu chí của đô thị loại I tại Biên Hòa được hoàn thiện và mở ra bước phát triển đột phá mới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Biên Hòa nỗ lực tự làm mới mình, hướng đến phát triển vững chắc ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cùng Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam kiểm tra một trường học trên địa bàn.

Phóng viên: Để kiến tạo không gian phát triển mới cho thành phố Biên Hòa, cần tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất hiện nay là tái định cư. Trước thực trạng người dân một số dự án lớn “đợi đất tái định cư như nắng hạn đợi mưa rào”, Ban thường vụ Thành ủy Biên Hòa đang quan tâm, nỗ lực hóa giải ra sao?

Đồng chí Hồ Văn Nam: Trên địa bàn thành phố Biên Hòa hiện nay có nhiều dự án trọng điểm của quốc gia cũng như của tỉnh và thành phố như: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Đường ven sông Đồng Nai, đường ven sông Cái, Trục đường Trung tâm thành phố và hàng chục dự án trường học đã và đang được triển khai trên địa bàn các phường.

Để thực hiện các dự án này, nhà nước thu hồi đất đối với hàng nghìn hộ dân, trong đó có nhiều hộ dân giải tỏa trắng phải cấp đất tái định cư. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đúng là người dân đợi đất tái định cư như “nắng hạn đợi mưa rào”. Tính cho đến thời điểm hiện tại, thành phố đang cần khoảng 2.000 lô đất tái định cư để cấp cho các hộ dân đã và đang bị giải tỏa nhường mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn.

Để tháo gỡ nút thắt này, thành phố Biên Hòa đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ và tái định cư các dự án công trình trên địa bàn thành phố Biên Hòa để tập trung công tác chỉ đạo, rà soát, đồng thời tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Theo đó, thành phố đã và đang tập trung thi công 5 dự án xây dựng hạ tầng Khu tái định cư gồm: Thống Nhất và Tân Mai; Tân Hạnh; Tân Biên; Quang Vinh và Bửu Hòa.

Với sự tập trung cao độ, đến nay hai khu tái định cư Quang Vinh và Tân Biên đã hoàn thành để bố trí đất tái định cư cho các hộ dân. Thành phố phấn đấu hoàn thành hạ tầng các khu tái định cư Bửu Hòa trong tháng 11/2024, Tân Hạnh vào quý I/2025 và Thống Nhất và Tân Mai trong quý II/2025.

Song song đó, thành phố đang tập trung phối hợp với các đơn vị bộ, ngành và tỉnh hoàn thiện thủ tục 12 dự án hạ tầng Khu tái định cư khác để sớm triển khai xây dựng. Ban chỉ đạo đã phân công cụ thể trách nhiệm, phần việc cụ thể cho các đơn vị ngành, tổ chức họp giao ban tiến độ hàng tuần về những phần việc đã làm được cũng như tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Trước mắt, trong năm 2025 sẽ triển khai ít nhất 3 dự án hạ tầng tái định cư mới để kịp bố trí đất tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện.

Đối với công tác này, lãnh đạo Thành ủy yêu cầu cán bộ, chuyên viên các đơn vị, ngành và cán bộ địa phương được giao nhiệm vụ chuyên môn phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và sẽ bị xem xét thay thế những vị trí cán bộ không hoàn thành nhiệm trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, việc thực hiện các Dự án xây dựng hạ tầng Khu tái định cư trên địa bàn thành phố không đơn thuần là chỉ bố trí nơi ở cho các hộ dân bị giải tỏa thực hiện các dự án mà còn góp phần chỉnh trang bộ mặt các khu dân cư theo hướng hiện đại, văn minh xứng tầm của một đô thị loại I. Vì vậy, việc tư vấn, thiết kế, thi công phải được xem xét, phê duyệt kiểm tra một cách kỹ lưỡng.

Biên Hòa nỗ lực tự làm mới mình, hướng đến phát triển vững chắc ảnh 2
Dự án đường Trục trung tâm thành phố được kỳ vọng góp phần tháo gỡ nút thắt giao thông cho nội ô đô thị Biên Hòa.

Các khu tái định cư phải kết nối đồng bộ với các khu vực xung quanh để người dân đến nơi ở mới phải đảm bảo tốt các điều kiện, tiện ích phục vụ đời sống. Điều này cũng sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động đồng thuận đến với người dân bị giải tỏa thực hiện các dự án vào các Khu tái định cư nhanh chóng, tránh tình trạng nghịch lý sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng Khu tái định cư lại để trống.

Phóng viên: Sự phát triển của Biên Hòa có ý nghĩa quan trọng đối với sự đi lên chung của tỉnh, tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực chuyển biến rất chậm trễ. Với hàng loạt công việc dồn ứ, ngổn ngang, bề bộn cần tháo gỡ, thúc đẩy, mà đồng chí từng có lần ví đô thị Biên Hoà như hình ảnh “cuộn chỉ rối”. Vậy, để đưa thành phố phát triển xứng đáng với kỳ vọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, theo đồng chí, Thành ủy Biên Hòa nên bắt đầu quyết tâm hành động từ khâu nào?

Đồng chí Hồ Văn Nam: Đúng là thành phố Biên Hòa hiện nay còn rất nhiều lĩnh vực vực còn hạn chế, khó khăn, chưa có giải pháp mang tính căn cơ mà chủ yếu đang chạy theo kiểu chắp vá “lỗ hổng”. Trong đó phải kể đến, hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, giao thông kết nối, đường xá còn rất chật chội, chủ yếu là những tuyến đường cũ từ trước giải phóng được cải tạo lại, chưa có nhiều tuyến đường tháo gỡ cho các nút thắt kiểu như đường Võ Thị Sáu, Đặng Văn Trơn, Hương lộ 2...

Song song đó, hệ thống thoát nước cũng đã quá tải so với quy hoạch đô thị trước đây chỉ khoảng 350 nghìn người mà nay đã hơn 1,2 triệu dân. Điều này dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập nước cục bộ xảy ra liên tục ở nhiều điểm, khu vực trên địa bàn thành phố chưa thể khắc phục triệt để.

Lĩnh vực môi trường, quản lý trật tự xây dựng mặc dù được tăng cường kiểm tra xử lý nhưng xây dựng trái phép, phân lô bán nền vẫn diễn ra khá phức tạp tại một số địa phương, nguy cơ dẫn tới phá vỡ quy hoạch chung của thành phố. Tình trạng thiếu trường lớp vẫn diễn ra và đối mặt nguy cơ phải học ca ba ở một vài phường có dân số cơ học tăng cao như Long Bình, Trảng Dài, Tân Hiệp. Đô thị loại I nhưng bệnh viện đa khoa của thành phố ít có người khám bệnh và điều trị lưu trú vì cơ sở vật chất, nguồn nhân lực y bác sỹ chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Biên Hòa nỗ lực tự làm mới mình, hướng đến phát triển vững chắc ảnh 3

Phường Trảng Dài được ví von như "cuộn chỉ rối" do việc xây dựng trái phép diễn ra trong thời gian dài, khiến các quy hoạch bị phá vỡ.

Trong khi đó, lĩnh vực văn hóa cũng mới chỉ phát triển bề nổi, còn về chiều sâu thì vẫn còn nhiều việc phải làm đặc biệt là thiết chế văn hóa từ cơ sở đến thành phố. Đơn cử như hiện nay nhu cầu văn hóa thể dục-thể thao, vui chơi giải trí của người dân rất lớn, nhưng Biên Hòa không có nhà thi đấu, rạp hát đúng nghĩa để tổ chức các sự kiện văn hóa văn nghệ thể thao cho người dân và hàng trăm nghìn công nhân trên địa bàn….

Sự phát triển chung không thể đi gỡ rối và khắc phục từng lĩnh vực mà trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp mang tính căn cơ. Trong đó, lĩnh vực giáo dục-đào tạo thành phố phải khởi công xây dựng các công trình trường học đã có chủ trương và bố trí vốn trung hạn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố để hoàn thành đưa vào sử dụng đúng kế hoạch nhằm không để học sinh thiếu trường thiếu lớp phải đi học nhờ và đặc biệt là không để phải học ca ba.

Đối với hạ tầng đô thị, bên cạnh quyết tâm thực hiện hoàn thành các công trình trọng điểm, thì thành phố tiếp tục tập trung mở rộng các nút giao và giao thông kết nối đồng bộ, triển khai thực hiện các tuyến đường “xương cá” trong nội ô theo quy hoạch, kiên quyết xử lý 10 điểm, khu vực ngập còn tồn tại trên địa bàn. Về môi trường, kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra khỏi đô thị theo lộ trình đã được tỉnh đặt ra, đồng thời kiến nghị tỉnh đưa diện tích đất từ các cơ sở doanh nghiệp di dời để làm các công trình công cộng cũng như làm các Khu tái định cư bố trí đất cho các hộ dân nằm trong diện giải tỏa tại các dự án.

Quyết tâm hành động của đội ngũ cán bộ

Phóng viên: Thời gian qua, cá nhân đồng chí thường xuyên dành thời gian trực tiếp thị sát, chỉ đạo tại công trường các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, góp phần tạo chuyển biến rõ nét đẩy nhanh tiến độ trong thực tế. Qua đây, nên lan toả thông điệp gì về tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, kinh nghiệm, mà người đứng đầu Đảng bộ địa phương muốn quán triệt, truyền cảm hứng đến đội ngũ cấp dưới, nhất là những trường hợp có biểu hiện “mất lửa”, trong bối cảnh đang đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ hiện nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Văn Nam: Để lãnh đạo, chỉ đạo một cách sâu sát, hiệu quả thì bản thân phải đi thực tế để nắm bắt những vấn đề hết sức cụ thể, từng việc nhỏ nhất, khó khăn, vướng mắc, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân nằm trong diện giải tỏa thực hiện các dự án.

Hơn một năm về nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Biên Hòa, bản thân tôi thường xuyên dành thời gian ít nhất một buổi trong tuần để đi kiểm tra, chỉ đạo, tháo gỡ đôn đốc thực hiện các công trình dự án trên địa bàn thành phố, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn đang vướng công tác giải phóng mặt bằng. Bởi trong các cuộc họp, việc báo cáo bằng văn bản nhiều khi bản thân không nắm sát được, thậm chí, một số văn bản báo cáo không sát với thực tế nên việc chỉ đạo đôi lúc chưa thực sự đem lại hiệu quả bằng “sản phẩm” thực tế.

Biên Hòa nỗ lực tự làm mới mình, hướng đến phát triển vững chắc ảnh 4

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam (bên phải) kiểm tra tiến độ một dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Qua kiểm tra công trường tại các dự án trọng điểm mới thấy những phát sinh khó khăn trong thực tế là rất lớn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường ven sông Đồng Nai, đường ven sông Cái….

Trước những khó khăn, thử thách, một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn lại sợ sai, không dám làm, thiếu sự sáng tạo vận dụng linh hoạt, thậm chí xa dân, đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa đơn vị này với đơn vị khác khiến có những thời điểm, một số dự án gần như “giẫm chân” tại chỗ.

Qua các buổi kiểm tra, ngoài chỉ đạo trực tiếp đối với các đơn vị chuyên môn liên quan còn giúp bản thân tôi nắm bắt được những khó khăn thực tế, qua đó để có những quán triệt, chỉ đạo các đơn vị ngành, địa phương trong các cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thực hiện các dự án.

Từ đó đã truyền đi được thông điệp tích cực từ suy nghĩ đến hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở là phải làm và quyết tâm hành động. Đặc biệt, đối với những cán bộ né việc, không dám làm thì tôi cũng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm nếu không hoàn thành thì sẽ xem xét thay thế để không ảnh hưởng đến guồng máy đang vận hành làm chậm tiến độ chung của các dự án.

Phóng viên: Để Biên Hoà chủ động, tự tin có động thái “bước lên đường ray đi về đích”, hướng đến phát triển vững chắc trong tương lai, hiện có những vấn đề gì nằm ngoài tầm tay, thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà theo đồng chí, đang rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh và Trung ương?

Đồng chí Hồ Văn Nam: Với tầm nhìn chiến lược, quy hoạch không chỉ nhằm phát triển hạ tầng đô thị mà còn tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng sống của người dân, thu hút đầu tư, giữ vững bản sắc văn hóa của thành phố nên quy hoạch là khâu quan trọng nhất.

Mục tiêu phát triển của thành phố trong thời gian tới là phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và giao thông; phát triển không gian đô thị xanh, thông minh; phát triển dịch vụ và công nghiệp chất lượng cao; giữ vững bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống của thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay việc thành phố vẫn đang hoàn thiện xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể đến năm 2045, việc trình các cấp phê duyệt mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, quy hoạch chung kéo theo nhiều điều chỉnh nên quy hoạch phân khu cũ không còn cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án mới. Nếu đợi quy hoạch chung được phê duyệt xong mới bắt tay vào chuẩn bị quy hoạch phân khu thì sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến nhiều dự án trên địa bàn.

Biên Hòa nỗ lực tự làm mới mình, hướng đến phát triển vững chắc ảnh 5

Một góc trung tâm đô thị Biên Hòa.

Vì vậy thành phố rất mong tỉnh, các bộ ngành và Chính phủ hỗ trợ thành phố về cả hướng dẫn điều chỉnh phù hợp kịp thời cũng như rút ngắn về thời gian phê duyệt quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu của thành phố.

Biên Hòa có vị trí vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nên nhiều dự án đang và sẽ được Trung ương triển khai thực hiện trên địa bàn.

Đặc biệt, thành phố Biên Hòa cũng là một trong những đô thị phụ cận sân bay Long Thành nên trong tương lai khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động thì địa phương có nhiều lợi thế để tận dụng khai thác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Đồng thời, hiện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đang giao các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát quy hoạch, xác định ranh giới, diện tích đất dự kiến bàn giao cho địa phương để nghiên cứu nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, công suất dự kiến 5 triệu hành khách mỗi năm.

Vì vậy, thành phố rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về các thủ tục cũng như cơ chế chính sách, thậm chí dành cơ chế đặc thù cho thành phố Biên Hòa để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nhà đầu tư xứng tầm đến với nơi đây trong tương lai.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!