Trong một bài phát biểu mới đây tại cuộc họp các Bộ trưởng Môi trường châu Phi, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell cảnh báo, khủng hoảng khí hậu đang “là một hố sâu, hút cạn động lực tăng trưởng kinh tế” và việc thúc đẩy các giải pháp về khí hậu tại đây “đang bị cản trở bởi tình trạng thiếu đầu tư”.
Thực tế, hiện nay, châu Phi chỉ nhận được một phần rất nhỏ, khoảng 1% nguồn tài chính toàn cầu hằng năm về khí hậu. Nghịch lý hơn, đây đồng thời là châu lục đang gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của thời tiết cực đoan, trong khi mức độ phát thải thấp hơn nhiều các khu vực khác.
“Trong số hơn 400 tỷ USD chi cho năng lượng sạch năm 2023, chỉ có 2,6 tỷ USD được chuyển đến các quốc gia châu Phi”, Thư ký điều hành UNFCCC nói; đồng thời kêu gọi thế giới cần đầu tư nhiều hơn cho châu Phi, ít nhất khoảng 4 tỷ USD/năm.
Châu Phi đang hứng chịu tác động ngày càng nặng nề từ biến đổi khí hậu
Trước đó, đầu tháng 9, Tổ chức Khí tượng thế giới đã công bố Báo cáo về Tình hình khí hậu châu Phi năm 2023. Theo đó, các quốc gia tại Lục địa Đen đang phải hứng chịu tác động ngày càng nặng nề từ tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia thậm chí phải chi tới 9% ngân sách để khắc phục hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Nếu không có các biện pháp thích hợp, đến năm 2030, ước tính sẽ có tới 118 triệu người cực kỳ nghèo (có thu nhập dưới mức 1,9 USD/ngày) phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt khắc nghiệt; từ đó tạo áp lực lớn tăng trưởng cũng như nỗ lực xóa đói giảm nghèo của châu lục Đen”, báo cáo của WMO nêu.