Bà Celeste Saulo, Tổng Thư ký WMO cảnh báo: Mặc dù có mức phát thải nhà kính thấp hơn nhiều các châu lục khác, nhưng trong 60 năm qua nhiệt độ tại châu Phi lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình toàn cầu.
“Năm 2023, lục địa này đã phải trải qua những đợt nắng nóng, mưa lũ, bão nhiệt đới hay hạn hán kéo dài. Những sự kiện cực đoan này đã tàn phá châu Phi, gây nên những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế”, Tổng thư ký WMO nhấn mạnh.
Hằng năm, các nước trong khu vực cũng thiệt hại từ 2-5% tổng sản phẩm quốc nội do nắng nóng, hạn hán, lốc xoáy và lũ lụt. Báo cáo của WMO nhấn mạnh, các quốc gia vùng cận Sahara thậm chí sẽ phải tiêu tốn từ 30-50 tỷ USD mỗi năm (tương đương từ 2-3% GDP) trong thập kỷ tới để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một người phụ nữ bên xác gia súc trong đợt hạn hán nghiêm trọng tại Somalia năm 2022. (Ảnh: Reuters) |
“Nếu không có các biện pháp thích hợp, đến năm 2030, ước tính sẽ có tới 118 triệu người cực kỳ nghèo (có thu nhập dưới mức 1,9 USD/ngày) phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt khắc nghiệt; từ đó tạo áp lực lớn tăng trưởng cũng như nỗ lực xóa đói giảm nghèo của châu lục Đen”, báo cáo của WMO nêu.
WMO đồng thời kêu gọi các nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng khí tượng, thủy văn; đồng thời triển khai các hệ thống cảnh báo sớm; từ đó giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực thích ứng và khả năng phục hồi cho từng quốc gia, khu vực.