Biến chứng viêm cơ tim, nguy kịch tính mạng sau sốt virus

NDO - Sau 2 ngày sốt virus, bệnh nhân Ng.T. L (37 tuổi, Thanh Hóa) rơi vào biến chứng sốc tim-rối loạn nhịp thất, nguy kịch tính mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Can thiệp ECMO cho bệnh nhân.
Can thiệp ECMO cho bệnh nhân.

Khoảng 14 giờ 15 phút ngày 23/11, Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Ng.T. L (37 tuổi) trong tình trạng lơ mơ, vân tím toàn thân, huyết áp không đo được, nhịp tim 180 chu kỳ/phút (người bình thường chỉ 60-100 chu kỳ/phút).

2 ngày trước, bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa với chẩn đoán sốt virus.

Xác định đây là trường hợp cấp cứu nguy kịch, không chậm trễ, bệnh nhân được chuyển ngay vào khu ED-ICU để theo dõi monitor, mắc máy sốc điện và chuẩn bị đặt ống nội khí quản hỗ trợ hô hấp.

Theo các bác sĩ, điện tim của bệnh nhân có rối loạn nhịp nguy hiểm, nhịp nhanh thất có tụt áp.

Ngay lập tức bệnh nhân được an thần nhẹ và sốc điện chuyển nhịp với hy vọng sẽ cứu vãn huyết động để có thêm thời gian thăm dò, làm chẩn đoán cho bệnh nhân.

Sau nhiều lần sốc điện, kết hợp với các thuốc chống loạn nhịp đều vô hiệu, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản an toàn, huyết áp chưa có mặc dù các thuốc vận mạch đang được dùng tối đa.

Một cuộc hội chẩn đa chuyên khoa diễn ra ngay tại giường bệnh với sự tham gia của 3 chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Tim mạch và Phẫu thuật mạch máu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS, TS Hoàng Bùi Hải-Trưởng Khoa Cấp Cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Rất nhanh chóng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim có biến chứng sốc tim-rối loạn nhịp thất. Người bệnh được chỉ định làm ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) cấp cứu để hỗ trợ tuần hoàn cho bệnh nhân, chờ ngày quả tim hồi phục.

Quá trình vào ECMO thuận lợi, bệnh nhân được ép tim hỗ trợ trong quá trình để duy trì huyết áp tưới máu các cơ quan, đặc biệt là tưới máu não. Sau 30 phút máy ECMO đã được kết nối với bệnh nhân, huyết áp của bệnh nhân dần ổn định, thuốc vận mạch được giảm liều dần và ngừng hẳn.

Sau thời gian cấp cứu kịp thời, tích cực, phối hợp đa chuyên khoa, áp dụng kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay trên thế giới là tim phổi nhân tạo, bệnh nhân dần qua cơn nguy kịch.

Sau hỗ trợ ECMO 96 tiếng, các rối loạn nhịp tim của bệnh nhân được kiểm soát, nhịp tim về bình thường, chức năng tim của bệnh nhân cải thiện hơn, bệnh nhân được cai và ngừng hệ thống ECMO một cách an toàn, lúc này bệnh nhân cũng tỉnh táo, đã có thể tự thở.