Sở dĩ, khu rừng có tên gọi như vậy là bởi những cây thông mọc ở đây có thân uốn cong mềm mại, như thể đang thực hiện các động tác khiêu vũ uyển chuyển, nhanh nhẹn. Thân cây xoắn lại, vắt chéo và thậm chí uốn cong thành vòng. Điều thú vị nhất là hình dạng “dị thường” của thân cây không xuất hiện khắp khu rừng mà chỉ tập trung ở một khu vực nhỏ.
Hiện nay, vẫn chưa có lời giải thích nào được số đông chấp nhận đối với hiện tượng đáng kinh ngạc này. Cùng với các giả thuyết dựa trên cơ sở khoa học, hiện tượng lạ tại khu rừng còn gắn liền với các truyền thuyết lãng mạn.
Lối vào khu rừng bí ẩn. |
Chuyện kể rằng, Công tước Barty người địa phương Sambian đã từng đi săn ở nơi này. Tại bãi đất trống, chàng nhìn thấy một cô gái xinh đẹp tên Predinia đang chơi đàn hạc. Công tước bị vẻ đẹp của cô quyến rũ đến mức ngay lập tức ngỏ lời cầu hôn cô. Tuy nhiên, giữa hai người lại gặp trở ngại lớn đó là sự khác biệt về tôn giáo.
Cô gái Predinia là người theo đạo Thiên chúa, còn Công tước Barty là người ngoại giáo. Công tước nói với cô gái rằng mình sẽ chấp nhận đức tin của cô nếu cô chứng minh được Chúa của cô toàn năng đến mức có thể điều khiển cây cối. Để chứng minh niềm tin của mình là đúng, cô gái bắt đầu chơi đàn hạc, tiếng đàn cất lên, bỗng dưng cây cối chuyển động theo nhịp điệu du dương. Và tại chính nơi này, nhiều năm sau, “Khu rừng khiêu vũ” đã xuất hiện.
Nhiều gốc cây bị trầy vỏ do du khách giẫm lên. |
Giả thuyết khác có phần thực tế hơn giải thích cho sự bất thường này, đó là do sự tác động của sâu bệnh đối với cây cối. Sâu ăn các chồi ngọn của cây, buộc cây phát triển ở các chồi bên, dẫn đến tình trạng thân cây bị biến dạng. Khi phát triển đến một mức độ nhất định, thân cây lại tìm về hướng mặt trời để tiếp tục lớn lên. Đây chính là lý do chỉ có một đoạn gần gốc cây bị cong, còn phần thân trên lên tới ngọn là thẳng.
Một số nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hình dạng khác thường của cây là sự kết hợp giữa điều kiện tự nhiên và khí hậu của khu vực. Thực tế, trên phần lãnh thổ của Curonia Spit có những cồn cát. Sự di chuyển của cát và gió mạnh liên tục thổi từ biển Baltic có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Vào mùa xuân gốc cây thường bị cỏ phủ kín. |
Ngoài ra, còn có một giả thuyết tương truyền, tại đây người Đức đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hóa chất trong thời gian họ mở trường lái tàu lượn, do vậy hóa chất ngấm vào đất, là tác nhân gây nên sự kỳ dị của thân cây.
Bí ẩn xung quanh nguồn gốc của hiện tượng, sự huyền bí và hình dạng khác thường của cây cối khiến nơi đây trở nên đặc biệt hấp dẫn khách du lịch. Có thông tin lan truyền cho rằng, du khách đến đây nếu trèo qua được một vòng cong của thân cây hoặc trèo lên ngọn cây thông cong sẽ thay đổi được sự luân hồi của vũ trụ, bản thân người đó sẽ trẻ lại mấy tuổi so với tuổi thực.
Ngày càng nhiều du khách tò mò đến khu rừng bí ẩn tham quan. |
Không hiểu điều này có linh ứng hay không nhưng thực tế đã dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho khu rừng. Rất nhiều du khách vì tò mò và hiếu kỳ nên đã trèo lên gốc cây, làm hư vỏ cây. Đa số họ đến đây đều mong muốn được chạm vào cây lạ và chụp ảnh cùng chúng để làm kỷ niệm. Do lượng khách du lịch đổ về khu rừng này đông, hằng ngày gốc cây bị tác động rất nhiều bởi sự giẫm đạp và hiếu kỳ của người xem nên chỉ tính riêng năm 2018, 12 cây tại khu rừng này bị chết.
Để bảo vệ và bảo tồn cây cối, đất đai tại khu rừng khiêu vũ, Ban quản lý Công viên Quốc gia Curonian Spit đã quyết định rào lại xung quanh và mở một con đường đặc biệt bằng sàn gỗ. Tuy nhiên, tháng 9/2021, con đường mòn sinh thái quanh khu rừng được rào chắn tạm thời để tái thiết với thời gian khoảng một năm. Sàn gỗ cũ được tháo dỡ và thay thế bằng sàn gỗ mới không có bậc. Hiện nay con đường này hiện có lối đi dành cho cả xe lăn.
Gốc một số cây ở khu rừng có hình thù khác lạ. |
Ngày nay, sự bí ẩn của khu rừng vẫn chưa có lời giải chính thức, tuy nhiên nguyên nhân nào gây sự khác biệt cho cây cối tại khu rừng này cũng không quá quan trọng.
“Khu rừng nhảy múa” vẫn là một điểm đến thú vị không chỉ đối với những người say mê khám phá những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí mà còn đối với những du khách lần đầu đặt chân đến “vùng đất cấm” của Nga.