Thăm vùng “đất cấm” Kaliningrad

Kaliningrad là một vùng đất đặc biệt nằm ở cực tây nước Nga, với những thành phố xinh xắn đậm chất Âu. Thuộc về Nga nhưng lại biệt lập khỏi nước Nga về vị trí địa lý, chỉ tiếp giáp Ba Lan, Litva và biển Baltic. Cách duy nhất để đến phần lục địa này của Nga là bằng đường không hoặc đường biển.

Bảo tàng hổ phách - biểu tượng của Kaliningrad.
Bảo tàng hổ phách - biểu tượng của Kaliningrad.

Vùng đất có bề dày lịch sử

Tỉnh Kaliningrad và thành phố cùng tên có bề dày lịch sử phong phú và khá thú vị bởi khi thì thuộc về Nga, lúc lại không. Và nó cũng gợi không ít trí tò mò, bởi với những cơ sở quân sự chiến lược, một thời nơi đây là vùng “đất cấm”. Thời Liên Xô, Kaliningrad hầu như khép kín, không chào đón du khách thập phương. Có lẽ bởi thế, khi chúng tôi từ Saint Petersburg bay đến đây, cũng là những du khách nước ngoài hiếm hoi trên chuyến bay nội địa vào thời điểm làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát dữ dội, nên chẳng những người dân thành phố mà cả cảnh sát địa phương cũng khá bất ngờ. Họ đề nghị được kiểm tra giấy tờ, hỏi cặn kẽ từ công việc, cho đến nơi ở và số điện thoại. Gần nửa giờ ở sân bay, chỉ để trả lời những câu hỏi “Đến đây bằng cách nào?”, “Đến để làm gì?”, “Đã mua vé khứ hồi chưa?”... là đủ hiểu giờ đây dù đã “mở cửa”, song Kaliningrad vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trước đây, Kaliningrad thuộc về nước Đức. Lịch sử của thành phố bắt đầu vào khoảng tháng 9-1255, khi các hiệp sĩ Teutons (hiệp sĩ German) đặt những viên đá đầu tiên xây dựng pháo đài trên một ngọn đồi và gọi nó là Konigsberg. Cái tên này đã theo thành phố trong suốt thời gian dài, khi nó từng là một đô thị rộng lớn của Vương quốc Phổ, hay là thủ đô của Đông Phổ. Lần đầu tiên Kaliningrad thuộc về Nga vào năm 1758, sau chiến thắng của Nga trong Chiến tranh Bảy năm (1756-1763). Tuy nhiên, vào năm 1762, vùng đất đã được trả lại cho Vương quốc Phổ. Konigsberg trở thành của Nga một lần nữa vào năm 1946, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một phần lãnh thổ của Đức được chuyển sang Liên Xô. Cùng lúc đó, vùng đất này được đổi tên thành Kaliningrad, để vinh danh nhà lãnh đạo đảng kiệt xuất của Liên Xô Mikhail Ivanovich Kalinin.

Tuy được gọi là thành phố biển, song Kaliningrad lại không có lối đi trực tiếp ra biển. Thành phố nằm ở ngã ba sông Pregel chảy vào vịnh Kaliningrad. Tại thành phố này có một cảng lớn và là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic, Hải quân Nga. Dù vậy, nhưng mùi biển luôn hiện hữu trong từng góc nhỏ ở Kaliningrad. Vị mặn mòi của biển, của gió và mưa, những con phố nhỏ lát đá hàng trăm năm tuổi xuyên qua những cánh rừng xanh mướt, khiến chuyển động của xe khi đi trên những con đường ấy thật khác biệt.

Sáng tháng Mười ở Kaliningrad trời lất phất mưa bay, không khí tươi mới lành lạnh giống như tiết xuân Hà Nội. Chúng tôi đặt taxi qua một ứng dụng phần mềm điện thoại và rất ngạc nhiên khi so sánh giá taxi ở thủ đô Moscow. Cùng một cuốc xe, mà giá tiền chỉ bằng một phần ba, phần tư. Phát hiện thú vị này còn theo mãi khi đến thành phố nghỉ dưỡng Svetlogorsk (tỉnh Kaliningrad), một cuốc xe hơn trăm rúp (số tiền chỉ đủ mua ổ bánh mì ngon), mà hẳn một chiếc Mercedes bảy chỗ ghé tới. Bác lái xe vui vẻ, chẳng mảy may chê bôi quãng đường ngắn dài...

Cái tên đầu tiên trong danh sách những điểm nên đến tại thành phố Kaliningrad là Làng Cá. Được ví như “hòn ngọc” của thành phố, Làng Cá ngày nay là một khu phức hợp, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, dân tộc học và cả trên bình diện thương mại. Thật không may, trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, Làng Cá cũng như nhiều địa danh lịch sử ở Kaliningrad bị tàn phá nặng nề. Khoảng những năm 2006 - 2010, “ngôi làng” đã được xây dựng lại với các tòa nhà hiện đại theo phong cách kiến trúc của thành phố Konigsberg từ thời Đông Phổ trước chiến tranh.

Nằm kế bên Làng Cá, đi qua cây cầu nhỏ mang tên Honey bắc qua sông Pregel là nhà thờ Cathedral uy nghi soi mình bên dòng sông. Kaliningrad còn nổi tiếng bởi nơi đây là quê hương của nhà triết học Immanuel Kant (1724 - 1804). Ông là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại hàng đầu thế giới, người được xem là cha đẻ của triết học Khai sáng. Ông sinh ra và gần như cả cuộc đời sống ở Konigsberg. Ngôi mộ của nhà hiền triết nằm bên bức tường nhà thờ Cathedral, được xây dựng từ thế kỷ XIV, trên hòn đảo chính của thành phố.  Bên trong nhà thờ là Bảo tàng và Phòng hòa nhạc mang tên Kant, nơi tổ chức các buổi hòa nhạc organ.

Thật thú vị khi đứng cạnh ngôi mộ của nhà triết học và biết được rằng con người này đã từng sống qua thời điểm thành phố lần đầu tiên được chuyển sang Đế chế Nga. Đó là quãng thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh Bảy năm. Quân đội Nga tiến vào Konigsberg năm 1758, nơi này gần như đã đầu hàng ngay lập tức. Giao tranh đã không xảy ra. Từ đó, Đông Phổ được tuyên bố là một tỉnh của Nga. Và vào ngày 24-1-1758, cũng như mọi cư dân của Konigsberg, Triết gia I.Kant tuyên thệ trung thành với Nữ hoàng Nga Elizaveta Petrovna. Và chính vì không muốn phá vỡ lời thề của mình, nên sau khi Elizaveta Petrovna băng hà tháng 1-1762, vùng đất được người kế vị Peter III trao trả lại cho Đông Phổ, nhưng triết gia vĩ đại I.Kant vẫn coi mình là công dân Nga cho đến khi qua đời.

Nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới sinh trưởng trong một thành phố có truyền thống hàn lâm. Với diện tích chỉ hơn 15 nghìn km2, Kaliningrad có hơn 20 trường đại học, trong đó lớn nhất là Đại học Tổng hợp Quốc gia Baltic mang tên I.Kant. Ngôi trường này hiện vẫn còn giữ được một phần của các tòa nhà, từng thuộc về Đại học Albertina của Konigsberg, ra đời từ năm 1544.

Ấn tượng hổ phách Baltic

Đến Kaliningrad không thể không nhắc tới hổ phách bởi nơi đây tập trung tới 90% trữ lượng hổ phách của thế giới và là một trong những nguồn tài nguyên quý của nước Nga. Giá trị của hổ phách được ví như vàng mười. Nó là biểu trưng của sự thịnh vượng, tình yêu và sức mạnh. Theo quan niệm cổ xưa, hổ phách còn có thể giúp chữa bệnh... Bởi thế không có gì đáng ngạc nhiên khi một trong những biểu tượng của thành phố chính là Bảo tàng hổ phách độc nhất vô nhị trên thế giới.

Bảo tàng nằm trong tòa tháp gạch đỏ, từng thuộc hệ thống phòng thủ của thành phố. Bộ sưu tập của bảo tàng giới thiệu những viên đá vàng óng với hàng nghìn, hàng vạn sắc thái, hình dạng và kích cỡ. Viên đá hổ phách nặng nhất được trưng bày ở bảo tàng này có trọng lượng tới hơn bốn cân. Tại đây cũng có bức tranh khảm hổ phách lớn nhất thế giới mang tên “Rus”, kích thước 276 cm x 156 cm, nặng tới hơn 70 kg được ghép lại từ 2.984 viên hổ phách. Tác giả bức tranh, cũng chính là người phục chế Phòng Hổ phách trứ danh của Cung điện Mùa thu ở Saint Petersburg, ông Alexander Zhuravlev cho biết “bức tranh được thực hiện theo một kỹ thuật phức tạp, khác thường, là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật hổ phách hiện đại và cổ điển. Bức tranh là biểu tượng của niềm hy vọng và sự tái sinh, thể hiện sự đối đầu giữa cái chết và sự sống, giữa tuổi già và tuổi trẻ, niềm tin và sự ngờ vực, quá khứ và tương lai...”.

Tại Tổ hợp khai thác và chế tác hổ phách theo quy trình công nghiệp duy nhất của Nga, Tổng Giám đốc Tổ hợp Mikhail Zatsepincho biết riêng tại khu mỏ Primorsky ở Kaliningrad, trữ lượng hổ phách cũng đủ để công việc khai thác có thể kéo dài từ 150 đến 300 năm nữa. Hổ phách nhiều như vậy, nhưng ngay tại quê hương của nó vẫn có hổ phách giả. Thậm chí trong Bảo tàng hổ phách của nhà máy, hổ phách giả cũng được trưng bày để mọi người nhận biết. Và kế bên những viên hổ phách giả là một con cú với ngụ ý nhằm phân biệt được hổ phách thật - giả cần có sự tinh anh. Cô Yulia, hướng dẫn viên du lịch của Tổ hợp nhắc khéo khi thấy tôi vào cửa hàng giới thiệu sản phẩm: “Mua hổ phách ở đây bảo đảm cả về chất lượng và giá cả”. Và để tránh mua hàng giả “khi mua hổ phách, hãy tránh chọn mua những sản phẩm quá mức lóng lánh, bóng bẩy, nhất là còn thêm mấy con côn trùng to đùng nguyên vẹn nằm bên trong ”... dù những viên hổ phách giữ lại xác côn trùng cổ xưa là có thật. Từ hổ phách, có thể tạo ra vô số mặt hàng trang sức, thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm tinh xảo, bắt mắt.

“Bản nhạc giao hưởng” mang tên Kaliningrad đã khép lại với những sắc vàng hổ phách tuyệt đẹp. Đến Kaliningrad, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận giống tôi, sẽ thấy nhớ vùng đất này ngay cả khi còn chưa kịp chia tay để trở về với bộn bề cuộc sống thường ngày.

6_1-1606635323832.jpg
 Nhà thờ Cathedral nhìn từ Làng Cá.