Theo quyết định này, từ ngày 15/6 tới, bên cạnh hình thức nộp hồ sơ giấy thông qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội, các đơn vị sử dụng lao động có thể lập và gửi hồ sơ điện tử để thực hiện dịch vụ công Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động qua Cổng Dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nếu thực hiện giao dịch điện tử, đơn vị sử dụng lao động cũng sẽ được nhận kết quả giải quyết qua giao dịch điện tử…
Trước đó, từ ngày 12/4/2022, dịch vụ công Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng đã được tích hợp chính thức trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Để bảo đảm thực hiện thông suốt dịch vụ này theo phương thức mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn cho các Trung tâm Dịch vụ việc làm và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trong cả nước; đồng thời, cử cán bộ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong quá triển khai...
Cùng với những bước chuyển tích cực này, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; kết nối liên thông để sử dụng dịch vụ “Xác nhận thông tin hộ gia đình” trên môi trường thử nghiệm do Bộ Công an cung cấp.
Hiện chức năng “Gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế hộ gia đình” trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện và sẵn sàng được triển khai chính thức.
Ngoài ra, ngành cũng đang khẩn trương hoàn tất các khâu chuẩn bị để thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với hai nhóm thủ tục là Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí để triển khai cung cấp theo hình thức trực tuyến...
Dù chưa thể thống kê hết, nhưng qua những “đầu việc” cơ bản mà ngành Bảo hiểm xã hội đã và đang tập trung thực hiện và tích cực triển khai trong thời gian này, có thể thấy rất rõ sự nỗ lực cũng như những quyết tâm của toàn ngành trong thực hiện chuyển đổi số nói chung, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục, dịch vụ nói riêng, với mục tiêu phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn. Đó cũng là những bước đi cụ thể để ngành Bảo hiểm xã hội từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”; “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ” đã được xác định.
Dù đây là cái đích mà để đi tới cần phải có thời gian và đặc biệt là còn phải vượt qua không ít trở ngại, như Tổng Giám đốc Bảo hiểm Việt Nam và lãnh đạo ngành nhấn mạnh, với việc toàn ngành xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện, với tinh thần “không ai được đứng ngoài cuộc”, hy vọng rằng ngành Bảo hiểm xã hội sẽ sớm tiến đến đích và mục tiêu đặt ra ■