Công trình Bệnh viện đa khoa huyện Cao Phong được khởi công năm 2007, với kinh phí đầu tư hơn 22 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Sở Y tế tỉnh làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Ðầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn là đơn vị thi công. Ðến tháng 5-2010, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng. Nhìn bề ngoài công trình khá khang trang, sạch đẹp, nhân dân rất phấn khởi vì có một nơi khám, điều trị bệnh tốt. Nhưng thực tế thì ngược lại. Qua quan sát, chúng tôi thấy các thiết bị như chậu rửa, bệ xí, bệ tiểu, van vòi, khóa nước, đường ống... mới đưa vào sử dụng được một thời gian đã hỏng. Toàn bệnh viện có năm nhà vệ sinh riêng biệt và ba nhà vệ sinh phòng khép kín, thì đến nay đã hỏng sáu và một nhà sắp hỏng. Hiện nay, bệnh viện chỉ còn một nhà vệ sinh ở tầng hai, hằng ngày, hàng trăm người cả nam và nữ đều phải đi chung, dẫn đến tình trạng quá tải, bốc mùi khó chịu. Ðiều đáng nói là bệnh viện đã nhiều lần có công văn đề nghị nhà thầu xây dựng sửa chữa, khắc phục sự cố nhưng mỗi lần như vậy cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi lại hỏng như cũ.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cao Phong Nguyễn Ngọc Cường cho biết: Hiện nay, không chỉ các khu nhà vệ sinh của cán bộ và người bệnh bị hư hỏng mà cả khu nhà bảo quản thuốc chữa bệnh cũng đang bị xuống cấp. Ngày nắng cũng như ngày mưa, nước từ trên trần nhà bảo quản thuốc chảy xuống liên tục gây ẩm ướt, hoen ố, loang lổ tường. Theo tiêu chuẩn, nhà bảo quản thuốc cần phải khô, thoáng vậy mà cán bộ trông coi và bảo quản ở đây hằng ngày phải tốn nhiều thời gian dùng chậu để hứng và đổ nước đi. Ông Ðinh Văn Lảnh, người nhà người bệnh đang điều trị tại bệnh viện cho biết: Công trình vệ sinh tại bệnh viện bị hư hỏng và luôn thiếu nước nên khi đưa các cháu nhỏ vào tiểu tiện rất khó khăn. Vì vậy, mỗi lần như vậy, chúng tôi phải đưa các cháu ra ngoài nhà dân xin đi nhờ. Có những hôm đông người đến khám, chữa bệnh, nhiều người đi vệ sinh cùng lúc chúng tôi phải chờ nhau rất lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Cường, công trình không bảo đảm về chất lượng mà còn thiếu một số hạng mục theo quy định. Ðặc biệt là phòng chụp X-quang được thiết kế, xây dựng chưa đúng quy định. Hiện nay, bệnh viện đã có máy chụp X-quang nhưng phòng chụp không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật vì chưa có cửa ốp chì, chưa có lỗ quan sát kính chì và lắp đặt hệ thống nước. Ngoài ra, hệ thống tường chắn, hệ thống bảo quản tại phòng chụp cũng chưa đạt tiêu chuẩn. Theo tiêu chuẩn, toàn bộ tường trong phòng phải được bả bằng ma-tít và chì. Chính vì vậy, hiện nay phòng chụp X-quang của bệnh viện vẫn không thể hoạt động được. Nếu hoạt động, trong quá trình vận hành, tia X-quang sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người vận hành trong phòng cũng như những người bên ngoài. Phòng chụp không hoạt động được nhiều, người bệnh đến khám bệnh nếu cần chụp X-quang thì phải ra bệnh viện tỉnh chụp, lấy kết quả sau đó mới quay về điều trị. Nguy hiểm hơn khi người bệnh đến điều trị, không được chụp X-quang thì rất khó chẩn đoán bệnh, nhất là các bệnh về u trung thất, phổi... Do đó, nhiều trường hợp, các y, bác sĩ đành phải điều trị bệnh theo lâm sàng. Thí dụ, bệnh viêm phổi nếu không phát hiện nguyên nhân thông qua chụp X-quang mà chỉ khám, chữa bệnh qua lâm sàng thì không chẩn đoán được đúng bệnh, gây nguy hiểm cho người bệnh. Ðây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh phải xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị, gây quá tải cũng như tốn kém cho nhân dân. Trước thực trạng này, tháng 3-2011, Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã có kết luận thanh tra về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện Cao Phong, yêu cầu đơn vị thi công, thi công bổ sung phần lắp đặt lá chì cản được tia phóng xạ trong phòng X-quang với kinh phí hơn 26 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị thi công vẫn chưa triển khai. Không những vậy, hiện nay khu xử lý chất thải rắn, lỏng của bệnh viện cũng chưa có. Hằng ngày, những chất thải sinh hoạt của y, bác sĩ bệnh viện cũng như người bệnh được Công ty Môi trường đô thị Cao Phong thu gom, chở đi tiêu hủy. Còn đối với chất thải y tế như bông, gạc, kim tiêm... được tiêu hủy bằng cách đốt, gây ô nhiễm môi trường chung quanh. Bên cạnh đó, hệ thống dẫn nước cứu hỏa của bệnh viện cũng chưa được đấu nguồn.
Thiết nghĩ một công trình lớn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng do mắc những sai sót đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh, điều trị của y, bác sĩ và nhân dân trên địa bàn. Ðề nghị các ban, ngành chức năng cũng như chủ đầu tư cần sớm khắc phục để Bệnh viện đa khoa huyện Cao Phong đi vào hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện nốt các hạng mục còn dang dở đặc biệt là khu xử lý nước thải, lò đốt chất thải rắn để bệnh viện đưa vào sử dụng bảo đảm vệ sinh môi trường và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.