Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 3/9, rất nhiều ca nặng được xe cấp cứu chuyển từ tuyến dưới lên. Trong đó, đặc biệt sáng nay, các bác sĩ trong tua trực dốc hết sức cấp cứu 3 ca nặng vì chấn thương và bỏng trong vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe ô-tô ở Hà Nam.
Khoảng 3 giờ sáng nay, xe ô-tô va chạm khiến xe phát nổ và bốc cháy. Sau tai nạn, 3 nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam. Khoảng 7 giờ sáng nay, cả 3 được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Nặng nhất là anh T.X.H (34 tuổi) bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, gãy xương đùi, bỏng 1/2 cơ thể, hiện vẫn đang hôn mê. Ngồi cùng xe với anh H khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân P.V.D (27 tuổi) nhẹ hơn, bị gãy xương nhiều vị trí, gãy hở 2 xương cẳng chân trái đang chờ mổ cấp cứu. Ngoài gãy xương, bệnh nhân còn nhiều vết thương xây xát phần mềm.
50% ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông. |
Trong lúc gặp tai nạn, cả hai bị mắc kẹt trong xe. Khi xe chuẩn bị phát nổ, anh D thoát được ra trước nên bị thương nhẹ hơn, anh H. bị mắc kẹt nên bị thương và bỏng nặng. Sau khi được điều trị cấp cứu, anh H. sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bỏng quốc gia để điều trị tiếp.
Nạn nhân trên chiếc ô-tô còn lại là anh L.M.G (33 tuổi) bị chấn thương nhẹ, nhưng diện tích bỏng nhiều, sáng nay đã được chuyển đến Bệnh viện Bỏng quốc gia.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó trưởng Khoa Ung bướu, Trưởng kíp trực cấp cứu ngày 3/9 cho biết, theo thống kê gần nhất, trong 4 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận phần lớn bệnh nhân nặng, đa chấn thương từ các tuyến chuyển về. Trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó 50% là bệnh nhân tai nạn giao thông.
Theo bác sĩ Vũ Trường Thịnh, Khoa Phẫu thuật Chi dưới, trong sáng nay có 10 trường hợp chờ mổ cấp cứu về chấn thương chỉnh hình. Trong trường hợp nếu quá tải, các bác sĩ sẽ phải phân luồng, ca nhẹ sẽ tư vấn để chuyển tuyến cho bệnh nhân được mổ sớm nhất có thể.
Đáng lưu ý, tỷ lệ bệnh nhân gặp tai nạn giao thông do uống bia, rượu chiếm khoảng 10-15% ca cấp cứu.
Tua trực sáng 3/9 tiếp nhận nhiều ca tai nạn giao thông nặng. |
Tỉnh lại sau ca cấp cứu, nam thanh niên L.V.N (23 tuổi, quê ở Nghệ An, làm thuê đá mỹ nghệ ở Hải Hậu, Nam Định) cho biết, chiều tối 2/9, trong bữa liên hoan em có sử dụng rượu bia. Khoảng 21 giờ cùng ngày, bệnh nhân lái xe chở theo 1 đồng nghiệp đi về thì tự ngã trên đường quốc lộ. Khi mở mắt ra thì thấy mình đã nằm trong bệnh viện.
N. may mắn chỉ bị chấn thương phần mềm, tuy nhiên, người ngồi sau xe là anh N.V.C (35 tuổi, quê ở Nghệ An) nặng hơn, gãy chân trái, chấn thương hàm mặt, gãy xương sườn, xây xước phần mềm… và đang nằm chờ phẫu thuật.
Theo bác sĩ Nghĩa, cả hai trường hợp này khi nhập viện đều ghi nhận nồng độ cồn trong máu cao và tự gây tai nạn khi tham gia giao thông.
Nằm ngay giường bên cạnh là nam bệnh nhân 64 tuổi ở Tuyên Quang, nhập viện lúc 3 giờ sáng 3/9 do tai nạn giao thông. Bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương màng cứng, chảy máu dưới nhện, vào viện trong tình trạng kích thích, vật vã. Bệnh nhân đang được theo dõi sát sao.
Bác sĩ Nghĩa cho hay, tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu chiếm khoảng 10-15% trên tổng số ca khám cấp cứu dịp nghỉ lễ năm nay. Đối với những ca này, việc xử trí cấp cứu khó hơn tùy vào nồng độ cồn ảnh hưởng đến tri giác bệnh nhân.
"Có ca đến viện trong tình trạng kích thích nhưng không biết do cồn hay chấn thương sọ não, gây ảnh hưởng phần nào đến việc đánh giá, nhận định và xử trí của y bác sĩ với người bệnh”, bác sĩ Nghĩa nói.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Cũng trong dịp nghỉ lễ vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn tiếp nhận nhiều ca tai nạn sinh hoạt khác, có nhiều trường hợp nguy hiểm tính mạng.
Như trường hợp bệnh nhi 12 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) được gia đình đưa tới khi trên bàn tay phải vẫn cắm nguyên một phần đầu song sắt nhọn. Theo lời kể của bố bệnh nhi, khi con chơi, leo trèo ở tường rào khu nhà văn hóa sáng nay, bất ngờ trượt ngã, bàn tay phải bị đầu nhọn song sắt đâm xuyên qua, gia đình vội cưa sắt và đưa con vào nhập viện.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bố trí trực 24/24 giờ với hơn 30 bác sĩ đủ các chuyên ngành, bảo đảm tiếp đón, xử trí kịp thời các ca cấp cứu.
"Chúng tôi tiếp đón lượng bệnh nhân cấp cứu tương đương năm ngoái, không quá tải. Tuy nhiên, vì các ca đến đây là tuyến cuối đều có tính chất cấp cứu nên khi bị dồn dập ca cấp cứu, cũng sẽ gây quá tải cục bộ", bác sĩ Nghĩa cho hay.