Bệnh viện E hướng tới làm chủ kỹ thuật ghép tạng, bộ phận cơ thể người

NDO - Chiều 27/2, Bệnh viện E công bố quyết định và ra mắt Chi hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện E với mục tiêu tuyên truyền rộng rãi đến người dân về công tác hiến, ghép mô, tạng cũng như thúc đẩy nhiều hơn nữa số người đăng ký hiến hiến mô, tạng sau khi chết, chết não.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ra mắt Chi hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện E
Lễ ra mắt Chi hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện E

Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện E có 56 thành viên đều là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế với quy chế hoạt động phù hợp với tình hình của đơn vị. Theo đó chi hội sẽ theo dõi, ghi nhận các trường hợp có nguy cơ chết não đang được điều trị tại đơn vị và vận động người nhà người bệnh đăng ký hiến mô, tạng khi người bệnh được chẩn đoán chết não.

Đồng thời tuyên truyền, vận động cộng đồng, được ngũ nhân viên y tế, người bệnh về mục đích ý nghĩa của hoạt động hiến mô, bộ phận cơ thể người; phối hợp Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia trong việc tổ chức đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người; điều phối ghép mô bộ phận cơ thể người theo quy định.

TS Nguyễn Công Hựu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, Bệnh viện E hiện có quy mô hơn 1.000 giường bệnh với 63 khoa, phòng và trung tâm; hơn 1.300 cán bộ, công chức, người lao động. Bệnh viện cũng có hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại và đã thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị; là cơ sở thực hành của nhiều trường đại học khối ngành sức khỏe... Bệnh viện hoàn toàn có thể triển khai và làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, bộ phận cơ thể người.

Bệnh viện E hướng tới làm chủ kỹ thuật ghép tạng, bộ phận cơ thể người ảnh 1

TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E phát biểu tại buổi lễ.

Những năm gần đây, bệnh viện cũng ý thức được tầm quan trọng của các hoạt động xã hội trong cộng đồng, sự nhân văn của việc hiến tặng các bộ phận cơ thể nếu không may tai nạn, bệnh tật mất đi mà có thể đem lại sự sống, thay đổi số phận cho người khác. Vì vậy, khi Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người đi vào hoạt động sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng về ý nghĩa nhân văn này.

PGS,TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, việc vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng. Do vậy, đơn vị cần thống nhất về quy trình, nội dung hoạt động giúp triển khai hiệu quả và phù hợp với thực tế của từng đơn vị. PGS,TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ Chi hội Chi hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người của Bệnh viện E hoạt động hiệu quả, tích cực trong quá trình vận động, tư vấn để mang lại hy vọng sống cho người bệnh khác.

GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ,nhu cầu ghép tạng tại Việt Nam là rất lớn, trong khi nguồn tạng lại hiếm, vì vậy vai trò của Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam và các chi hội là rất quan trọng. Thông qua việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện E sẽ tăng thêm nguồn sức mạnh cho công tác vận động hiến tạng và giúp lan tỏa tới người bệnh và người thân người bệnh ý nghĩa nhân văn này.

Trong quá trình vận động, Bệnh viện cần chủ động nắm bắt thông tin của từng người bệnh có thể hiến mô, tạng để thành viên Chi hội, cũng như cán bộ y tế vận động người nhà người bệnh đồng ý hiến tạng. Chi hội cần có lộ trình, phương án truyền thông nhằm lan tỏa hoạt động ý nghĩa này đến với người bệnh trong bệnh viện và nhiều cơ sở khác để nguồn tạng hiến dồi dào, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.

Bệnh viện E hướng tới làm chủ kỹ thuật ghép tạng, bộ phận cơ thể người ảnh 2

PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam phát biểu ý kiến.

PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam phân tích, mỗi ngày có khoảng 2.000 đến 3.000 người bệnh và người nhà người bệnh đến Bệnh viện E, nếu những người này được tiếp cận, vận động việc hiến mô, bộ phận cơ thể người thì thì chắc chắn số người được tiếp cận vận động hiến mô, bộ phận cơ thể sẽ rất lớn. Đây chính là nguồn tạng hiến trong tương lai của Bệnh viện E và nhiều cơ sở y tế khác.

PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, Bệnh viện E có Trung tâm tim mạch là địa chỉ điều trị các bệnh lý tim mạch khá uy tín, các bác sĩ làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, cho nên Bệnh viện cần sớm triển khai kỹ thuật ghép tim.

Tại lễ ra mắt, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế Bệnh viện E trực tiếp cùng đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đã có gần mười người đại diện cho những đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người được thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia.

Bệnh viện E hướng tới làm chủ kỹ thuật ghép tạng, bộ phận cơ thể người ảnh 3

Cán bộ y tế Bệnh viện E đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.

Ở Việt Nam hiện có hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, truyền thống của người Á Đông, nguồn tạng từ người chết não vẫn đang còn nhiều hạn chế, cho nên việc thay đổi nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng là việc cần phải làm tích cực, tích cực hơn nữa.