Bệnh viện Điều trị Covid-19 tại Thái Nguyên thiếu thuốc, phương tiện điều trị

NDO -

Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những ngày gần đây diễn biến phức tạp, có ngày phát hiện 50-60 ca F0, không những làm tăng áp lực, mà còn khiến Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 bị thiếu thuốc, trang bị, thiết bị, phương tiện điều trị và phục vụ người bệnh. 

Nhân viên y tế phải giặt quần áo bệnh nhân Covid-19 bằng tay.
Nhân viên y tế phải giặt quần áo bệnh nhân Covid-19 bằng tay.

Gần đây, người nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng lên từng ngày, tính từ ngày 11 đến ngày 30/11 có tổng số gần 350 ca F0, một số nhà máy trong khu công nghiệp bị phong tỏa, tạm dừng sản xuất. Hầu hết các trường hợp F0 đều được chuyển đến 3 bệnh viện điều trị Covid-19 của tỉnh.

Được thành lập từ ngày 6/11/2021, Bệnh viện Điều trị Covid-19 số 1 tỉnh Thái Nguyên đặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã điều trị khỏi và cho hơn 30 người xuất viện, hiện đang điều trị hơn 200 bệnh nhân Covid-19. Những ngày vừa qua, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở đây đã phát huy khả năng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, ngày đêm tận tình điều trị, cứu chữa, chăm sóc các trường hợp nhiễm Covid-19. Nhưng hiện nay, họ đang thiếu thuốc và cơ sở vật chất nên phần nào hạn chế hiệu quả điều trị, chăm sóc và có nguy cơ bị lây nhiễm.    

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Mặc dù đã được chuẩn bị trước, nhưng người bệnh Covid-19 vào viện điều trị tăng, nên hiện nay bệnh viện thiếu Vitamin 3B, Vitamin C sủi, các loại sữa tăng cường dinh dưỡng... Trang, thiết bị như máy thở oxy dòng cao, giường điều trị cấp cứu bệnh nhân, xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid; bảo hộ chống dịch, dung dịch rửa tay sát khuẩn, nước xúc họng, khẩu trang, đồ dùng cá nhân... đều rất thiếu”.

Vào bệnh viện, bệnh nhân nhiễm Covid-19 được phục vụ toàn bộ, nhưng do không có máy giặt, máy sấy công nghiệp, nên nhân viên của Bệnh viện phải giặt bằng tay quần áo người bệnh, rồi phơi ngoài trời, cho nên nguy cơ lây nhiễm cao. Một vấn đề quan trọng không kém, đó là thiếu kinh phí xử lý rác thải nhiễm khuẩn, nếu vấn đề này không được xử lý kịp thời thì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện là hiện hữu.

Mặc dù bệnh viện đã bố trí các y, bác sĩ chưa tham gia điều trị Covid-19 làm việc tạm thời ở hội trường lớn, nhường khoa, phòng làm nơi ở cho đồng nghiệp đang điều trị các ca F0, nhưng đội ngũ này vẫn thiếu nơi ở, phải ở trong tình trạng chật chội trong khi nhiều đêm không ngủ, nhiều tuần chưa được về nhà, cần chỗ ở với điều kiện tối thiểu để nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động. 

Những thiếu thốn, khó khăn này cần được tỉnh Thái Nguyên giải quyết kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả điều trị người bệnh nhiễm Covid-19, tránh lây nhiễm trong bệnh viện, bảo vệ sức khỏe đội ngũ những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch.