Theo Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Như Lâm, ngày 1/12/1964, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang ở gia đoạn ác liệt, do yêu cầu nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh, Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 103 được thành lập trên cơ sở Khoa Ngoại dã chiến với biên chế ban đầu có 18 đồng chí do cố GS, TSKH, bác sĩ Lê Thế Trung làm Chủ nhiệm, bác sĩ Nguyễn Huy Đại làm Bí thư chi bộ.
Mặc dù, mới thành lập trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh với nhiều khó khăn thách thức, phải sơ tán nhiều địa điểm, chi viện tích cực nguồn lực quân y cho các chiến trường miền nam, Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 103 đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong cấp cứu, điều trị cho thương binh và nhân dân bị bỏng.
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Như Lâm đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. |
Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại trên cả nước, trước tình hình thực tiễn và nhu cầu cấp thiết cần phải có một đơn vị đầu ngành để chỉ đạo, hướng dẫn phát triển chuyên ngành, ngày 25/4/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định thành lập Viện Bỏng quốc gia mang tên danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trên cơ sở Khoa Bỏng (Bệnh viện Quân y 103) và là tiền thân của Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác ngày nay với trọng trách là bệnh viện đầu ngành của cả nước; là một trong hai bệnh viện thực hành của Học viện Quân y với các nhiệm vụ, cụ thể như:
Cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân bỏng của quân đội và nhân dân trong cả nước với vai trò là bệnh viện tuyến cuối đầu ngành; đào tạo cán bộ chuyên ngành bỏng, phẫu thuật tạo hình di chứng bỏng cho ngành quân y và nhân dân trong cả nước; nghiên cứu khoa học về bỏng, về y học thảm họa và các chuyên ngành liên quan để phát triển chuyên môn và phục vụ công tác đào tạo; chỉ đạo tuyến về chuyên ngành bỏng cho các tuyến quân y và dân y trong cả nước; hợp tác khoa học trong nước và quốc tế để phát triển chuyên ngành bỏng, y học thảm họa và các chuyên ngành liên quan.
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Như Lâm cho biết thêm, với giá trị cốt lõi là “Chuyên sâu-Thân thiện và Hợp tác”, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện qua các thời kỳ đã đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng bệnh viện vững mạnh, phát triển toàn diện cả về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Bên cạnh chuyên sâu về bỏng, bệnh viện đã chú trọng phát triển các chuyên ngành mũi nhọn như: phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo, chuyên ngành Liền vết thương và chuyên ngành Y học thảm họa.
Ngọn cờ đầu trong phát triển chuyên ngành và mạng lưới điều trị bỏng
Trong những năm qua chất lượng điều trị của bệnh viện không ngừng tăng lên, có nhiều tiến bộ trong chăm sóc bệnh nhân toàn diện, góp phần nâng cao tỷ lệ cứu sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Nhiều kỹ thuật mới và hiện đại được áp dụng trong lĩnh vực bỏng, phẫu thuật tạo hình, liền vết thương, phục hồi chức năng.
Bệnh viện cũng đã kết hợp tốt y học hiện đại với y học cổ truyền, trong đó nhiều sản phẩm từ y học cổ truyền đã được nghiên cứu, hiện đại hóa và ứng dụng rộng rãi trong điều trị như: B76, Berberin, Maduxin, Selaphin, Dampomate…, góp phần nâng cao chất lượng và giảm giá thành điều trị. Phát triển công nghệ bảo quản mô ghép, công nghệ mô, nuôi cấy tế bào cũng đã được bệnh viện chú trọng.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. |
Điển hình là sản xuất và bảo quản các vật liệu thay thế da tạm thời như: trung bì da lợn, da ếch; sản xuất các sản phẩm nuôi cấy như: tấm nguyên bào sợi da đồng loại, tấm tế bào sừng tự thân, hỗn hợp dịch tế bào sừng tự thân, các sản phẩm tế bào gốc từ màng dây rốn, mô mỡ, huyết tương giàu tiểu cầu.
Ngoài ra, bên cạnh nhiệm vụ điều trị thường xuyên, bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, trực tiếp tổ chức cấp cứu, vận chuyển, thu dung và điều trị thành công cho hàng trăm nạn nhân bỏng hàng loạt trong các vụ thảm họa cháy nổ. Cùng với các thành công trong điều trị và đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những thế mạnh của bệnh viện. Các nhà khoa học của bệnh viện đã hoàn thành hơn 300 đề tài khoa học các cấp và hơn 90 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 15 đề tài độc lập cấp Nhà nước, sáu nghị định thư cấp nhà nước…
Kết quả nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn, hiệu quả cao, giúp rút ngắn ngày nằm điều trị, hạ thấp tỷ lệ tử vong, giảm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân; đem lại hiệu quả chung cho các chuyên ngành, trở thành thành tựu chung của ngành y tế nước nhà.
Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, Bệnh viện quốc gia Lê Hữu Trác đã được Đảng, Nhà nước tặng các danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1989 và năm 2007); Huân chương, Huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, chúc mừng những thành tích mà bệnh viện đạt được, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng, thời gian tới, bệnh cạnh những điều kiện thuận lợi là cơ bản để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ như: tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; sự chống phá của các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước; thiên tai, dịch bệnh xảy ra với những diễn biến khó lường.
Vì vậy, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng như nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đã và đang đặt ra cho ngành y tế nói chung, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác và Học viện Quân y nói riêng hết sức nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn.
Thực hành học lâm sàng tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. |
Để tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống 60 năm qua, tận dụng thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao, Thượng tướng Vũ Hải Sản mong muốn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác không ngừng nâng cao toàn diện chất lượng chuyên môn về mọi mặt, lấy người bệnh làm trung tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào chẩn đoán và điều trị; có kế hoạch kịp thời ứng phó với thảm họa thiên tai, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Mặt khác, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ, đây chính là động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo và điều trị cho người bệnh; chú trọng nghiên cứu y học, kết hợp tốt y học hiện đại và y học cổ truyền dân tộc, ưu tiên các đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn; chú trọng công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đồng thời, xây dựng mối đoàn kết quân, dân, làm tốt công tác dân vận, tham gia tích cực các phong trào của địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.