Với hơn 1,3 triệu người, dân tộc Khmer là một trong những dân tộc thiểu số đông dân ở nước ta, chủ yếu sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long, có lịch sử lâu đời với đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đậm bản sắc.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã khẳng định quan điểm: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Thời gian qua, các tỉnh đông đồng bào Khmer sinh sống khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam.
Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra Lễ hội Ok Om Bok cùng Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 8 với sự tham gia của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng của các đoàn thuộc 12 tỉnh, thành phố có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi là Lễ cúng Trăng có nguồn gốc từ rất lâu đời, là lễ hội lớn của đồng bào Khmer được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa để tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ người dân bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm cho phum, sóc. Ngoài các loại trái cây, nông sản thì mâm lễ vật cúng trăng của đồng bào Khmer không thể thiếu cốm dẹp. Giữa không gian, ánh sáng rạng rỡ của ngôi chùa Khmer uy nghi, mâm cỗ ắp đầy hoa trái, âm nhạc và vầng trăng tỏa sáng trên cao, mọi người cùng trải chiếu ngồi quây quần quanh mâm cúng. Sau nghi thức cúng, các em nhỏ xúng xính quần áo dân tộc hớn hở xếp hàng để chủ lễ đút cốm dẹp, vừa ăn cốm vừa nói lên ước muốn của mình gửi tới mặt trăng. Trong bộ váy áo truyền thống duyên dáng vừa tham gia đội múa cúng trăng, cô thiếu nữ xinh đẹp Ông Nguyệt Thanh tươi cười rạng rỡ: "Lễ hội thật là vui, năm nào em cũng mặc đẹp về dự và cầu mong những điều may mắn cho cả nhà".
Ðến với ngày hội, người dân và du khách được cảm nhận và trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Răm vông, Saravan, múa trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê say đắm lòng người; cùng thưởng thức âm thanh riêng có của nhạc cụ Ngũ âm - được xem là biểu tượng của không gian văn hóa, là tiếng lòng của người dân Khmer Nam Bộ với thần linh, với thiên nhiên và con người. Ðặc biệt, Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 5 vô cùng tưng bừng náo nhiệt. Trên dòng sông Maspero mùa nước đầy, những chiếc ghe Ngo sơn mầu và đội đua đồng phục đủ sắc mầu tay chèo thoăn thoắt, nhịp nhàng như những mũi tên rực rỡ vun vút rẽ sóng trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người dân và du khách hai bên bờ. Ðến từ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, ông Ðinh Công Tâm hồ hởi cho biết, lễ hội Ok Om Bok được mọi người rất mong chờ suốt một năm dịch Covid-19 vừa qua. Từ hơn một tháng trước, người Khmer khắp các phum, sóc đã nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày hội lớn nhất trong năm này…
Dân tộc Khmer có nền văn hóa phát triển đa dạng, gắn liền những tín ngưỡng mang sắc thái riêng, ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Ðộ và Phật giáo; trong đó Phật giáo đóng vai trò quan trọng và có vị trí cao nhất trong đời sống người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Khmer thể hiện ở nhiều lĩnh vực, về văn hóa tinh thần, điển hình như: tiếng nói và chữ viết được hình thành từ lâu đời; kho tàng văn học phong phú, đa dạng; nhiều lễ hội gồm lễ hội truyền thống, lễ hội đặc trưng của Phật giáo và lễ tục dân gian gắn với nền văn hóa lúa nước; nhiều loại hình nghệ thuật như Rô Băm, Dù Kê, Chà Pêy Chằm Riêng… Hầu hết người Khmer theo Phật giáo Nam tông, chiếm tỷ lệ 87,88% trong tổng số đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ. Từ lâu, Phật giáo Nam tông có vị trí, vai trò rất lớn, luôn đồng hành cùng dân tộc Khmer, tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù. Trong sinh hoạt tôn giáo truyền thống, ngôi chùa là trung tâm giáo dục, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng với tổng số 445 chùa và khoảng 8.000 sư sãi; góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc, đào tạo đội ngũ trí thức, tạo ra các hoạt động xã hội thiết thực, phát huy tốt truyền thống đoàn kết...
Dù Kê là một loại hình sân khấu của nghệ thuật Khmer Nam Bộ. |
Là tỉnh cuối lưu vực sông Hậu, vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có ba dân tộc anh em chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa cùng sống xen cư; là nơi hội tụ của nền văn hóa đa dân tộc với những loại hình nghệ thuật đặc sắc. Sóc Trăng nổi tiếng là xứ sở của những ngôi chùa Khmer cổ kính với kiến trúc độc đáo, có nhiều lễ hội phong phú. Thời gian qua, đời sống nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào Khmer nói riêng ngày càng được nâng lên, văn hóa Khmer được chú trọng bảo tồn. Tỉnh hiện có 130 cơ sở thờ tự của dân tộc Khmer, trong đó có 92 ngôi chùa và 38 salatel. Sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào và sư sãi Khmer trong việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện; vì thế tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống ổn định, sư sãi và đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân Khmer Sóc Trăng đa số theo Phật giáo Nam tông tiểu thừa, mọi sinh hoạt tôn giáo đều gắn với nhà chùa. Ngôi chùa còn là nơi tổ chức nhiều lễ hội thường niên, gửi gắm những tâm tư tình cảm, là điều kiện để người dân đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Vì thế người Khmer dù giàu hay nghèo đều cùng nhau cố gắng góp công góp của xây dựng cho được ngôi chùa, có khi hàng chục năm mới hoàn thành. Hòa thượng Tăng Nô - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo chính điện chùa Khmer, các nhà sư cùng Ban quản trị chùa thường kêu gọi, huy động sức người, sức của từ bà con trong và ngoài phum, sóc, không phân biệt người Kinh, người Hoa. Vì chùa như ngôi nhà chung nên mọi người đều sẵn lòng tham gia xây dựng, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi. Từ đó tình làng, nghĩa xóm ngày càng được gắn kết.
Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, đầu tư, hỗ trợ gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Khmer Nam Bộ, cụ thể: Cùng với việc dạy chữ Khmer, đã tạo điều kiện để các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức giảng dạy chương trình Pali, Vini theo truyền thống. Ðầu tư, hỗ trợ hình thành các thiết chế văn hóa, thông tin như Nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer ở 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Toàn vùng có 5 chùa được công nhận di tích cấp quốc gia, 11 chùa di tích cấp tỉnh, 139 chùa có công với cách mạng. Bên cạnh 5 đoàn nghệ thuật do Nhà nước quản lý còn có hàng trăm đội văn nghệ quần chúng Khmer. Có 8 chương trình phát thanh-truyền hình, 5 tờ báo tiếng Khmer, 1 báo ảnh Ðất Mũi song ngữ Khmer - Việt. Ðầu tư Nhà văn hóa ở nhiều thôn, xã; hỗ trợ tủ sách tại hầu hết các điểm chùa Phật giáo Khmer. Hình thành Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường đại học Trà Vinh đào tạo cử nhân tiếng Khmer, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ... Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức, trong đó có Lễ hội Ok Om Bok với quy mô lớn, trở thành ngày hội chung của đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Ðặc biệt, môn thể thao đua ghe Ngo được tổ chức thi đấu hằng năm dịp lễ hội đã trở thành môn thể thao cấp quốc gia và được nâng thành Festival Ðua ghe Ngo (năm 2012). Nghệ thuật sân khấu Dù Kê được chuẩn bị lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn và giới thiệu văn học, nghệ thuật đồng bào dân tộc Khmer. Phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho 11 văn nghệ sĩ Khmer hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…
Nhằm phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào Khmer, tỉnh Trà Vinh đang xây dựng Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh tại phường 8, thành phố Trà Vinh. Ðến đây, người dân trong nước và du khách quốc tế sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Khmer tại danh thắng ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và ngôi chùa Âng nổi tiếng hơn nghìn năm tuổi cùng nhiều sinh hoạt cộng đồng, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trong đó có lễ hội Ok Om Bok vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Trong số di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh tại Sóc Trăng, có 10 di tích lịch sử - văn hóa Khmer được quản lý và phát huy tốt giá trị. Hiện nay di tích cũng như các lễ hội Khmer ở tỉnh đều có sự tham gia của các dân tộc khác; ngược lại bà con Khmer cũng luôn tham gia vào các lễ hội của người Kinh, người Hoa và góp công góp của để cùng nhau bảo vệ di sản chung, không phân biệt của riêng dân tộc nào. Từ đó tinh thần đoàn kết gắn bó các dân tộc ngày càng được phát huy.
(Còn nữa)