Bến Tre thông qua 33 Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Sáng 7/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 7 (nhiệm kỳ 2021-2026) nhằm đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế năm 2022, đề ra nhiệm vụ năm 2023 và thông qua 33 nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua 33 Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua 33 Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2022, kinh tế-xã hội của tỉnh đã phục hồi khá tốt và được một số điểm sáng nhất định với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,33%. Tỉnh có 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết; giá trị sản xuất các khu vực kinh tế đều tăng nhất là khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng khá cao; hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi và phát triển khá, thu ngân sách đạt tương đối cao, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.

Tỉnh đã khởi công xây dựng Cầu Rạch Miễu 2 đúng tiến độ; khởi động dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn tỉnh đạt tỷ lệ khá cao (trên 95%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế-xã hội của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: giá một số mặt hàng nông sản giảm so cùng kỳ, nhất là dừa khô trái giảm sâu, trong khi chi phí đầu vào, giá vật tư, nguyên liệu, phân bón… tăng cao nên người dân gặp khó khăn, giảm thu nhập, không tái sản xuất; giá xăng dầu tăng cao nhất là trong quý 2/2022, đã tác động lớn đến chi phí sản xuất, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre còn chậm; một số công trình trọng điểm còn vướng công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ thi công; hoạt động sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã phục hồi trở lại nhưng chủ yếu là khách nội địa…

Tại kỳ họp này, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, đúng thực chất những kết quả đạt được, cũng như những khó khăn, hạn chế trong năm 2022; xem xét các chỉ tiêu, giải pháp Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra trong dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Trong đó, các đại biểu quan tâm thảo luận 21 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2023; các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp; dự kiến năng lực mới tăng thêm, nhất là các dự án điện gió, nuôi tôm công nghệ cao, triển khai các dự án đô thị mới; những giải pháp đột phá để khai thác các nguồn thu; chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; thảo luận cho ý kiến về danh mục các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 với tổng số là 130 dự án, diện tích đất thu hồi là 3.429ha của nhiều dự án khu đô thị mới.

Kỳ họp cũng dành một buổi để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường; thực hiện thủ tục miễn nhiệm và bầu bổ khuyết chức danh Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thông qua 33 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và nhân sự của Ủy ban nhân dân tỉnh.