Nâng chất hợp tác xã nông nghiệp
Hiện tại, Bến Tre có 142 HTX nông nghiệp với tổng số thành viên HTX là 33.410 người. Trong đó, 64 HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả, 68 HTX tham gia thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đồng thời, khoảng 45 HTX áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và 15 HTX có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tổng vốn điều lệ đăng ký của các HTX khoảng 55,7 tỷ đồng, doanh thu bình quân trong năm 2022 đạt khoảng 1 tỷ đồng/HTX. Do tình hình giá cả vật tư, nguyên vật liệu đầu vào biến động tăng, nên lợi nhuận của các HTX không cao, chủ yếu giải quyết việc làm cho thành viên. Lãi bình quân của HTX đạt 50 triệu đồng/năm và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 65 triệu đồng/năm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: “Chất lượng nông sản hàng hóa của các HTX nông nghiệp ngày càng được nâng lên với sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú… Thông qua các HTX đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư.
Trong đó, nhiều HTX xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các HTX theo chuỗi dừa. Số HTX nông nghiệp thành lập mới đa dạng hơn về mô hình sản xuất, kinh doanh, nhạy bén trong việc áp dụng các quy trình công nghệ vào sản xuất, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhiều HTX nông nghiệp kinh doanh đạt lợi nhuận cao”.
Hiện tại, các HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt chức năng xã hội thông qua việc tham gia các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; hỗ trợ xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng cộng đồng khu dân cư, tạo công ăn việc làm cho các thành viên, người lao động trong HTX. Trong đó, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm) liên kết với tổ chức FLO (tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thành lập tại Hà Lan năm 1998) trồng dừa đạt tiêu chuẩn Fairtrade (thương mại công bằng) với giá cao.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ Nguyễn Văn Chúc cho biết: “Từ năm 2020, HTX liên kết với tổ chức FLO để trồng dừa đạt chuẩn Fairtrade với mã số được cấp là FLO 42721. Hiện tại, HTX có 804 thành viên tham gia với diện tích 616 ha. Trong đó, có 519 thành viên với 436,2 ha trồng dừa đạt chuẩn Fairtrade, số còn lại trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ. Tổ chức FLO sẽ đặt hàng sản phẩm dừa của HTX thông qua một doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu với giá cao hơn cả dừa hữu cơ.
Hằng năm, dựa vào đơn hàng xuất đi, tổ chức FLO sẽ trích lại từ 10 đến 15% tổng giá trị để HTX thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương như: Làm đường, xây hồ bơi cho thiếu nhi, xây nhà tình thương, tặng quà học sinh nghèo, phát miễn phí phân bón cho các thành viên HTX…”.
Từng bước phát triển theo hướng bền vững
Tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ xây dựng ít nhất năm mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các HTX nông nghiệp được chọn xây dựng mô hình điểm với bốn HTX. Cụ thể, HTX Thủy sản Bảo Thuận (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri); HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh (xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri); HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú); HTX Bưởi da xanh Bến Tre (xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành) và một HTX nông nghiệp điểm trong giai đoạn 2022-2025 sẽ được lựa chọn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh Trần Quốc Ửng cho biết: “Năm 2022, doanh thu của HTX đạt hơn 11,2 tỷ đồng, lợi nhuận từ dịch vụ khoảng 92 triệu đồng. Trong đó, ước tính lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ cao hơn so với hộ sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 12 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, hoạt động sơ chế cơm dừa đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Khi được hỗ trợ xây dựng theo mô hình kiểu mới, HTX sẽ tiếp tục phát triển vườn dừa hữu cơ nhằm mang lại giá trị về sức khỏe cho người nông dân và người tiêu dùng. Đặc biệt môi trường được bảo vệ trong lành phù hợp sự phát triển xanh, bền vững”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, xây dựng và phát triển mô hình HTX nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý HTX. Từ đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phân loại, sơ chế và tổ chức cung cấp dịch vụ logistics của HTX nông nghiệp...