Bến Tre phát huy tinh thần tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển

NDO -

Ngày 31/10, tại huyện Thạnh Phú, Tỉnh ủy Bến Tre  phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 125 tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, “Đoàn tàu không số” và 75 năm thực hiện chuyến vượt biển đầu tiên.

Vàm Khâu Băng (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - nơi đoàn tàu không số cập bến.
Vàm Khâu Băng (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - nơi đoàn tàu không số cập bến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng: Cách nay 75 năm, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ vùng ven biển xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú), theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra miền bắc gồm các đồng chí Đoàn Văn Trường - Tư lệnh Khu 8, Nguyễn Thị Định, Ca Văn Thỉnh và Trần Hữu Nghiệp báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho miền Nam. Đến giữa năm 1946, theo lệnh của Trung ương, đồng chí Nguyễn Thị Định, với tư cách là Thuyền trưởng chỉ huy con tàu không số đã vượt trùng dương từ Phú Yên mang chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về đến Bến Tre khoảng giữa tháng 12/1946 giao cho Khu 8.

Tuy chưa có những tư liệu lịch sử khẳng định chính chuyến vượt biển đó góp phần hình thành cơ sở cho Trung ương đề ra chủ trương về mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhưng thực tế đã có chuyến chở vũ khí đầu tiên từ bắc vào nam về đến bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Chuyến đi này đã mở ra con đường vận chuyển, tiếp tế vũ khí của Trung ương từ miền bắc cho chiến trường miền nam là một thực tế lịch sử. Đó là một sự kiện đáng tự hào, thể hiện tinh thần tiên phong, sáng tạo mở đường, mở bến để đưa vũ khí từ bắc vào nam của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bến Tre phát huy tinh thần tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển -0
 Tàu không số vượt biển chuyển vũ khí vào miền nam. (Ảnh tư liệu)

Tính chung từ năm 1961 đến tháng 4/1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 1.355 chuyến tàu vào bến Khu 5, Khu 8 và Khu 9, được 99.827 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa cùng với hơn 30 nghìn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho quân và dân miền nam đánh Mỹ. Trong đó, Bến Bến Tre từ tháng 6/1963 đến 30/4/1975 đã tiếp nhận và trung chuyển 28 chuyến tàu với 1.386 tấn vũ khí, đạn dược và hàng hóa an toàn đến các chiến trường. Với các chiến công này, ngày 22/11/2011, đơn vị A101 (Bến Bến Tre) được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hội thảo đã tập trung làm rõ và khẳng định việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển - Giá trị và bài học lịch sử; Bến Tre tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển và phát huy giá trị đường Hồ Chí Minh trên biển trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và định hướng phát triển Bến Tre về hướng đông.

Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cho biết: Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước và là một kỳ tích - chiến công đã trở thành huyền thoại trường tồn trong lòng dân tộc, để lại những bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bến Tre phát huy tinh thần tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển -0
 Thiếu tá,  Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức, nguyên Thuyền trưởng Tàu không số phát biểu tại hội thảo.

Đại tá Dương Hồng Anh, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng khẳng định: Nhắc đến đường Hồ Chí Minh trên biển, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ và tôn vinh công trạng của cán bộ, chiến sĩ tàu không số và nhân dân địa phương trên địa bàn các bến đã hoạt động, chiến đấu, anh dũng hy sinh, góp phần vào chiến công của tuyến chi viện chiến lược này. Bến Tre với những cống hiến, hy sinh của các thủy thủ tàu không số, quân và dân tỉnh Bến Tre mãi được nhắc đến trong lịch sử, tái hiện trong Khu Di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí bắc - nam, là nơi lưu giữ, tiếp lửa truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

Đại tá Đỗ Văn Phước, nguyên Bí thư Đảng ủy - nguyên Phó Đoàn trưởng về chính trị Đoàn 962 cho biết: Với tư cách là cán bộ có 30 năm chiến đấu công tác tại Đoàn 962, tôi cho rằng đơn vị A101 Bến - Bến Tre trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước có vai trò hết sức quan trọng. Nói đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích, là huyền thoại của những con tàu không số là chưa hoàn toàn đầy đủ. Vì có tàu phải có bến, trong đó bến có chuẩn bị tàu vào, ra mới an toàn, là niềm tin là chỗ dựa tinh thần, củng cố ý chí, quyết tâm cho thuyền trưởng và thủy thủ mỗi khi vào Bến A101 mà bến ở đây không phải là bến đỗ của các con tàu mà là bến cảng lòng dân. Chính đó mới là nguồn sức mạnh góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường chi viện vũ khí góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến con đường Hồ Chí Minh trên biển, Bến Tre đã xoay trục, mở rộng tầm nhìn, không gian phát triển ra biển lớn, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, an toàn, an ninh biên giới biển, bảo vệ vùng biển, vùng trời, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, tạo động lực vững bước tiến lên, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương Bến Tre thêm giàu đẹp.