Vụ lúa đông xuân năm nay, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo không nên xuống giống nhưng nhiều nông dân đã “xé rào”, tự ý gieo sạ hơn 5.200 ha, chủ yếu tại hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên lúa sinh trưởng chậm với tổng diện tích khoảng 4.856 ha. Dự báo, thiệt hại sẽ rất lớn khi hiện nay vẫn chưa phải là đỉnh điểm của hạn hán, xâm nhập mặn.
Tại cánh đồng lúa xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, nông dân ngậm ngùi nhìn lúa chết vì thiếu nước. Màu xanh của cánh đồng lúa dần chuyển sang màu vàng, bề mặt ruộng đã khô, đất nứt nẻ nên cây lúa chết dần, chết mòn. Nguyên nhân chính do tình trạng nước mặn xâm nhập vào các tuyến kênh nội đồng nên nông dân không thể bơm nước lên ruộng để cứu lúa.
Ông Lê Văn Hùng, ngụ xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm) đã đầu tư gần chục triệu đồng để gieo sạ 1,2 ha lúa giờ chỉ biết nhìn lúa chết khi chuẩn bị trổ bông. Ông Hùng cho hay: “Trước đó, cán bộ nông nghiệp có đến khuyến cáo không nên sản xuất lúa vụ này vì hạn, mặn nhưng gia đình tiếc đất để trống nên tự ý gieo sạ. Với lại đây là vụ trúng mùa nhất trong năm nên chung quanh ai cũng làm, mình cũng làm liều như năm trước. Tuy nhiên, không ngờ năm nay nước mặn về sớm nên hầu hết đều không thu hoạch được”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm, Nguyễn Vũ Phong thông tin, nông dân trong huyện đã xuống giống hơn 800 ha, mặc dù ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con không nên sản xuất trong vụ này vì hạn, mặn. Hiện tại, diện tích thiệt hại hơn 30%, diện tích còn lại bị ảnh hưởng, nguy cơ mất trắng rất cao.
Đi dọc các cánh đồng, từ huyện Giồng Trôm sang huyện Ba Tri, đâu đâu cũng thấy cây lúa chết khô. Nhiều nông dân đã không chăm sóc, bón phân để giảm thiệt hại. Tại huyện Ba Tri, đã xuống giống 4.500 ha, Trong đó, hơn 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng, giảm năng suất và mất trắng. Hiện tại, lúa chết trong giai đoạn mạ non và số còn lại nguy cơ lúa chết là rất lớn khi hạn, mặn còn khốc liệt.
Ông Lê Văn Chín, ngụ xã Mỹ Thạnh (huyện Ba Tri) cho biết: “Vụ rồi, gia đình tôi xuống giống trên diện tích 7.000 m2 đã bị chết trong giai đoạn mạ non vì nước mặn. Một số hộ xuống giống trước đó khoảng một tháng để né mặn đang trong giai đoạn đồng trổ cũng cầm cự được ngày nào hay ngày ấy vì thiếu nước”.
Hiện tại, nước mặn đã bao phủ gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre. Trong đó, các con kênh nội đồng dù có hệ thống cống ngăn mặn nhưng vẫn bị rò rỉ, độ mặn đo được cũng từ hai đến bốn phần nghìn nên không thể sử dụng để bơm, tưới cho lúa. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, Dương Văn Chương cho biết: tình hình hạn, mặn năm nay diễn ra rất phức tạp nên huyện đã khuyến cáo bà con không nên sản xuất lúa vụ này. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn xuống giống, khi ảnh hưởng bởi nước mặn nên lúa chậm phát triển, thiệt hại khá lớn.
Nguy cơ toàn bộ hơn 5.200 ha lúa vụ đông xuân năm nay của bà con nông dân tỉnh Bến Tre bị thiệt hại nặng khi lúa đang chết dần vì thiếu nước ngọt. Trong thời gian tới, tình hình hạn, mặn sẽ còn gay gắt nên diện tích lúa chết sẽ còn tiếp tục tăng, nông dân sẽ bị lỗ nặng vì đã đầu tư giống, phân bón, nhân công để gieo sạ.
Ruộng lúa của gia đình ông Hùng bị thiệt hại do nước mặn.