Phim do đạo diễn - Trung tá Vũ Minh Phương thực hiện, biên kịch - Đại úy Bạch Hoàng Đạt chắp bút, biên tập - thượng tá Đặng Thái Huyền, quay phim - Thượng úy Đỗ Trung Quân.
Phim thực hiện tại Đồn biên phòng Bạch Đích, nơi những chiến sĩ biên phòng không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương và những nhiệm vụ đặc thù của quân đội, mà còn làm thêm một nhiệm vụ đặc biệt khác - đó là làm “bố”. Đồn Biên phòng Bạch Đích là nơi thiếu tá Phạm Thanh Hải và các chiến sĩ công tác, cũng là nơi ở của hai em Mua Văn Minh và Chảo Thanh Thiên, là con nuôi của bộ đội đã 5 năm nay.
Mua Văn Minh mất bố từ nhỏ, mẹ ốm yếu, nên cuộc sống rất bấp bênh. Em Chảo Thanh Thiên cũng mất bố, mẹ đi bước nữa, Thiên và em trai ở cùng với bác, gia cảnh nghèo khó nay có thêm hai anh em Thiên lại càng khó khăn hơn. Từ khi về sống với “các bố” ở đồn, các em được nuôi nấng, học hành, dạy dỗ, quen với nếp sống như những người lính thực thụ.
Hai em Mua Văn Minh và Chảo Thanh Thiên được chăm sóc tại Đồn. |
Trung tá Vũ Minh Phương là một đạo diễn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm phim tài liệu, trong đó đã có các bộ phim tài liệu về người lính thời bình như “Những chiến sĩ hải đồ”, “Vẫn có Bác soi đường”. Lần này với đề tài mềm mại và gần gũi, anh đã cho chúng ta thấy một góc nhìn mới mẻ về người chiến sĩ trong thời bình. Trong phim, hình ảnh người lính ấm áp, đầy tình thương yêu, sự vị tha và bản lĩnh, xứng đáng là những người cha che chở cho các em bé vùng cao côi cút.
Sử dụng một cách kể uyển chuyển, với những hình ảnh nên thơ trữ tình của núi rừng miền biên thùy, “Bên cạnh bố” đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Trong phim có sự kết hợp chặt chẽ giữa lời bình, lời kể của nhân vật và những đoạn phỏng vấn để cho thấy những góc nhìn khách quan hơn trong câu chuyện.
Mua Văn Minh về thăm mẹ trước khi trở lại Đồn. |
Phim đã kết hợp giữa những hình ảnh chân thực, bám sát theo hành trình của nhân vật: từ ở đồn, đến trường, về thăm nhà hay chuyến đi chơi là phần thưởng sau khi có thành tích tốt trong học tập, cùng với đó là góc nhìn đa chiều, ngôi kể chuyện thay đổi linh hoạt, điểm nhìn phong phú từ cả người trong cuộc và ngoài cuộc, khách quan và chủ quan. Từ đó, bộ phim chưa đầy 30 phút đã vẽ nên bức tranh giản dị nhưng cảm động về tuổi thơ vất vả của hai em bé nghèo vùng cao, về cuộc sống đầy tình thương yêu bên những người bố mặc áo lính; về tâm tư, mơ ước của các em.
Phim cũng hé mở về câu chuyện của những người lính. Người đã có gia đình thì biến nỗi nhớ vợ con thành tình cảm với các em bé nghèo vùng cao. Người chưa lập gia đình thì học cách làm “cha” của những đứa trẻ xa lạ. Là “bố”, nhưng họ đóng cả vai trò của những người mẹ, vừa chăm sóc, che chở, vừa lo lắng cho tâm sinh lý những trẻ đang tuổi mới lớn.
Đồn biên phòng Bạch Đích. |
Âm thanh cũng là một phần bổ trợ đắc lực trong bộ phim tài liệu này. Những âm thanh cuộc sống chân thực, được hòa quyện trong âm thanh của tiếng sáo, tiếng khèn - những đặc trưng của vùng núi Hà Giang.
Vì bối cảnh của câu chuyện là ở nơi có địa hình hiểm trở, nhân vật là những người hiền lành giản dị chưa tiếp xúc nhiều với máy quay, nên quá trình sản xuất phim cũng để lại nhiều ấn tượng cho đoàn làm phim.
Chia sẻ về bộ phim tài liệu “Bên cạnh bố”, đạo diễn Vũ Minh Phương bộc bạch: “Bạch Đích là một xã thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Xã vẫn còn nghèo, lại sát biên giới nên có rất nhiều khó khăn, các bối cảnh lại xa nhau. Vì vậy, trong quá trình thực hiện bộ phim, chúng tôi đã phải tính toán làm sao để tinh gọn cả nhân lực lẫn vật chất, làm sao để thuận tiện nhất trong quá trình di chuyển và tác nghiệp. Quá trình ghi hình phải chia làm nhiều đợt trong suốt hơn 1 năm ròng. Có lần đoàn ở Bạch Đích đúng vào những ngày mưa, đường bị sạt lở, lầy lội nên việc di chuyển giữa các điểm quay rất khó khăn. Lên được Đồn Bạch Đích, được nhìn thấy các đồng chí, các con, gặp gỡ những nhân vật của mình và quay lại được những thước phim quan trọng, chúng tôi thấy những gì đã trải qua thật quý giá và xứng đáng…”.
“Bên cạnh bố” là một bộ phim hay, mềm mại, nhẹ nhàng mà giàu cảm xúc. Đây là hướng làm phim tài liệu mà Điện ảnh Quân đội nhân dân chú trọng trong thời gian tới: Khai thác hình ảnh người lính trong thời bình, trong mối quan hệ với nhân dân, trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như khai thác hình ảnh người lính trong quá trình vươn lên làm chủ khoa học công nghệ.