Bế mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5

NDO -

Tối ngày 20-8, theo giờ Hà Nội, Hội nghị trực tuyến Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 bế mạc sau hai ngày làm việc; thông qua Tuyên bố về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Ảnh: HOÀNG QUỲNH
Ảnh: HOÀNG QUỲNH

Đoàn kết quốc tế quan trọng hơn bao giờ hết

Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ hai của Hội nghị, các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày các báo cáo về Dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ 21; Khoa học, công nghệ và đạo đức: những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách; và tiến hành thảo luận chuyên đề về Tăng cường quản trị bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các nghị viện và người dân; về Thúc đẩy nền kinh tế toàn diện và bền vững mang lại hạnh phúc và công bằng cho tất cả mọi người.

Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế tưởng nhớ và tưởng nhớ các nạn nhân khủng bố ngày 21- 8, Hội nghị tổ chức sự kiện đặc biệt: Chống khủng bố và bạo lực cực đoan: Góc nhìn của các nạn nhân. Sự kiện này tập trung vào các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và những hành động, giải pháp của các nghị sĩ giúp hỗ trợ các nạn nhân.

Trong phiên bế mạc, Hội nghị thông qua Tuyên bố về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Thông qua Tuyên bố chung, các Chủ tịch Quốc hội cùng Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới khẳng định sát cánh cùng các nghị sĩ và người dân trong thời điểm mang tính lịch sử toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19; nhắc nhở rằng đại dịch này là khủng hoảng không có biên giới, tác động của nó được cảm nhận ở mọi cấp độ.

“Đại dịch đã phát triển thành một trong những những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt với tư cách là một cộng đồng các quốc gia kể từ cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai” 

Các Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng những thách thức toàn cầu yêu cầu các giải pháp toàn cầu, trong đó tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế quan trọng hơn bao giờ hết; khẳng định bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất niềm tin và sự ủng hộ của các Chủ tịch Quốc hội và các mục đích, nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; tin tưởng rằng Liên hợp quốc ngày càng cần thiết và là nền tảng của các hành động mang tính toàn cầu mạnh mẽ và hiệu quả.

Thập kỷ hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững

Năm 2020 đánh dấu sự bắt đầu của Thập kỷ Hành động các mục tiêu phát triển bền vững, do đó, các Chủ tịch Quốc hội thế giới kêu gọi các quốc gia ở khắp mọi nơi để thực hiện những bước đi táo bạo và mang tính chuyển đổi nhằm biến Chương trình nghị sự này thành hiện thực.  Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết nhân đôi nỗ lực của mình để giúp thực hiện các mục tiêu này một cách đầy đủ và hiệu quả thông qua hoạt động nghị viện.

Về giải quyết các hậu quả kinh tế của đại dịch, các Chủ tịch Quốc hội thế giới cho rằng, trước mắt cần ưu tiên ngăn chặn nền kinh tế thế giới tiếp tục rơi vào suy thoái; tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và duy trì thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời bảo vệ việc làm và tiền lương.

“Về trung và dài hạn, nền kinh tế phải được tạo ra để làm việc cho tất cả mọi người để vượt qua sự bất bình đẳng ngày càng tăng, chống lại khí hậu thay đổi và đạt được tăng trưởng kinh tế bao trùm và công bằng xã hội”

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới khẳng định tầm quan trọng của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris và kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo nhanh chóng tiến hành việc thực hiện, bao gồm thông qua các chiến lược thích ứng và giảm thiểu phù hợp.

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới nhấn mạnh, rằng bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết cho hòa bình thế giới, thịnh vượng và bền vững.

Bày tỏ lo ngại thế giới có thể đang phải đối mặt với những thất bại trong thúc đẩy bình đẳng giới, các Chủ tịch Quốc hội thế giới kêu gọi tất cả các quốc gia, kêu gọi cộng đồng quốc tế tận dụng kỷ niệm 25 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh để đấu tranh bảo vệ bình đẳng giới dưới mọi hình thức.  

Bế mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 -0
Ảnh: HOÀNG QUỲNH 

Các Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khẳng định với tư cách của mình sẽ hoạt động để đạt được sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và bình đẳng của phụ nữ trong các nghị viện và tất cả các Nhà nước, các tổ chức, kể cả ở các vị trí lãnh đạo và cố gắng hết sức để bảo đảm bình đẳng giới trong cơ cấu, hoạt động và phương pháp làm việc của Quốc hội.

Nhấn mạnh phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương hơn đáng kể do Covid-19, các Chủ tịch Quốc hội thế giới kêu gọi cần thực hiện khẩn cấp các chính sách bảo vệ trên cơ sở giới cho phụ nữ và trẻ em gái.

Khuyến khích người trẻ tuổi tham gia Quốc hội

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới ghi nhận vai trò của giới trẻ trong Quốc hội và các cơ quan Nhà nước và cho rằng cần phát huy được năng lượng tích cực, sự đổi mới của người trẻ trong các cơ quan Nhà nước.

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết thúc đẩy hành động để hạn chế tình trạng thiếu đại diện của những người trẻ tuổi trong Quốc hội/Nghị viện cũng như tất cả các thể chế Nhà nước khác; cũng như tạo điều kiện hết sức để mở ra cơ hội tham gia vào Quốc hội của giới trẻ.

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cũng khẳng định tầm quan trọng cốt yếu là tất cả các Quốc hội trong việc thực hiện vai trò hiến định của mình để người dân được tham gia và có tiếng nói trong việc quyết định các chính sách.

Khẳng định vai trò dẫn dắt của Quốc hội, các Chủ tịch Quốc hội thế giới cho rằng các Quốc hội có thể ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn những cách thức mới, hiệu quả hơn để tương tác với người dân và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước; thông qua các hoạt động giáo dục nhằm đưa các nghị viện đến gần hơn với người dân và kêu gọi những người trẻ tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị.

Ngoài ra, Tuyên bố chung Hội nghị cũng đề cập đề các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, khắc phục tình trạng gia tăng di dân, không quốc tịch; việc bảo đảm trách nhiệm tôn trọng pháp luật và các thỏa thuận quốc tế trên mọi lĩnh vực của các quốc gia; hợp tác của Liên minh Nghị viện thế giới và Liên hợp quốc.

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cũng cam kết mạnh mẽ trong hoạt động của mình vì lợi ích của con người và thế giới, đại diện cho các dân tộc để đáp ứng nguyện vọng của người dân; đưa ra các giải pháp để duy trì và hồi sinh chủ nghĩa đa phương.  

Nhấn mạnh việc tất cả các quốc gia đoàn kết hợp tác với nhau và cùng với vai trò của Quốc hội thông qua chức năng lập pháp và giám sát sẽ đóng vai trò then chốt khi thế giới đấu tranh với Covid-19, các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết phổ biến Tuyên bố tại hội nghị lần này tới các Quốc hội thành viên và báo cáo về hoạt động được thực hiện để bảo đảm thực thi các cam kết.

Ngoài ra, các Chủ tịch Quốc hội thế giới đề nghị Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới trình bày Tuyên bố của Hội nghị này trong Hội nghị cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc.

Trước đó trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị, đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn tham gia hội nghị trực tuyến đã có bài phát biểu thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”; khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cũng cho rằng để đối phó với đại dịch Covid-19 cần phải nỗ lực hơn nữa chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn trong hợp tác quốc tế về phương pháp thử nghiệm, điều trị, vắc-xin và nghiên cứu phát triển y tế; đồng thời kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển...