Bầu cử Tổng thống Pháp: Nỗi lo tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu cao

NDO -

Ngày mai (10/4), khoảng 48,7 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng một bầu cử tổng thống để lựa chọn người lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm tới.

Kết quả thăm dò ý định bầu do Viện Elabe công bố ngày 8/4. (Ảnh: BFMTV)
Kết quả thăm dò ý định bầu do Viện Elabe công bố ngày 8/4. (Ảnh: BFMTV)

Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron được dự báo sẽ giành tỷ lệ phiếu bầu cao nhất. Tuy nhiên, chưa có cuộc bầu cử nào ở Pháp có nhiều diễn biến làm khó dự đoán kết quả như lần này vì còn rất nhiều cử tri chưa quyết định đi bỏ phiếu hay chưa xác định bầu cho ai trong số 12 ứng cử viên chính thức. 

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường chưa từng có trong nền Cộng hòa thứ 5 (Đệ ngũ Cộng hòa) của nước Pháp do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine. Chính vì vậy chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên không thể diễn ra rầm rộ và trong điều kiện bình thường như những lần trước. Đại dịch đã làm đảo lộn các kế hoạch tranh cử của các ứng cử viên, hạn chế rất nhiều cơ hội tiếp xúc và vận động cử tri ủng hộ. Nhiều ứng cử viên phải tổ chức các buổi tranh cử qua hình thức trực tuyến nên không thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. 

Tới tháng 2, đại dịch suy giảm cùng với việc dỡ bỏ gần hết các biện pháp hạn chế, tạo điều kiện cho các ứng cử viên triển khai chiến dịch vận động tranh cử. Tuy nhiên, xung đột bùng nổ ở Ukraine và là một biến cố chính trị lớn nhất tại châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, nhanh chóng tác động đến cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp. Thay vì quan tâm tới chiến dịch tranh cử tổng thống, người dân Pháp chủ yếu theo dõi diễn biến xung đột ở Ukraine, không chỉ vì xảy ra ở khu vực châu Âu mà hệ lụy đã tác động trực tiếp đời sống của cử tri Pháp, đó là vật giá leo thang. 

Biến động lớn về xã hội và địa chính trị đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Pháp ít quan tâm hơn so với các cuộc bầu cử trước vì quá mệt mỏi và lo lắng sau một nhiệm kỳ tổng thống với các cuộc khủng hoảng lớn như phong trào "áo vàng," đại dịch Covid-19 và hiện nay là xung đột ở Ukraine.   

Trong các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử châu Âu mấy năm trước, cử tri rất quan tâm đến vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu nên Đảng Xanh đã giành được sự ủng hộ rất lớn. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch và xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi quan điểm của nhiều người. Cử tri Pháp đang ngày càng lo nghĩ nhiều hơn đến cuộc sống hiện tại so với các vấn đề có tính vĩ mô và dài hạn như chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên không tập trung nhiều vào vấn đề đối ngoại của nước Pháp, nhập cư hay về các vấn đề chung của khu vực châu Âu.   

Tại Pháp, giá nhiên liệu, giá thực phẩm tăng mạnh. Lạm phát lên tới mức 4,5%, cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Sự quan tâm của người dân Pháp về xung đột ở Ukraine hay an ninh của châu Âu hiện đã bị thay thế bởi các âu lo về cuộc sống thường nhật. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của người dân Pháp là sức mua, giá hàng tiêu dùng, tiếp đó là y tế và an ninh. Đây sẽ là một trong những lý do chính để nhiều cử tri cân nhắc bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ tin là sẽ sớm giải quyết được vấn đề này. 

Trong 12 ứng cử viên chính thức, ông Emmanuel Macron có nhiều lợi thế hơn, nhất là kinh nghiệm điều hành đất nước, về đối ngoại và cả quốc phòng cũng như kết quả tích cực trong cải cách các chính sách xã hội và kinh tế. Chính vì vậy, kết quả thăm dò ý định bỏ phiếu 4 tuần trước bầu cử cho thấy ông có thể nhận được tỷ lệ ủng hộ tới 30-31%, cao gần gấp đôi người đứng thức hai là bà Marine Le Pen của Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia, khoảng 16-16,5%. 

Diễn biến về tỷ lệ ủng hộ đã thay đổi rất nhanh trong vòng một tháng trước bầu cử. Một số ứng cử viên có tỷ lệ dự kiến bầu rất cao lại không duy trì được sức hút. Ông Macron tốn nhiều thời gian cho nỗ lực ngoại giao đối với xung đột ở Ukraine và ít có hoạt động vận động tranh cử. Trong khi đó bà Marine Le Pen và ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả "Nước Phát bất khuất" lại duy trì đà tiến khi liên tục vận động cử tri với cam kết cải thiện sức mua, cắt giảm thuế VAT và tăng trợ cấp cho người lao động. 

Khoảng cách giữa ông Macron và bà Le Pen bị thu hẹp rất nhanh trong những ngày gần đây. Theo kết quả thăm dò do Viện Elabe công bố ngày 8/4, ông Macron sẽ dẫn đầu với 26% phiếu bầu, tiếp đó là bà Le Pen với 25% và ông Jean-Luc Mélenchon, 17,5% trong vòng một. Ứng cử viên của hai đảng truyền thống lâu đời gồm Đảng Xã hội và Những người Cộng hòa khó có khả năng thay đổi cục diện. Còn ứng cử viên Fabien Roussel của Đảng Cộng sản Pháp có thể giành được 2,5% phiếu bầu.

Trong vòng hai diễn ra vào ngày 24/4, ông Macron có thể giành được 51% phiếu bầu và bà Le Pen có 49%, một tỷ lệ rất sát sao. Điều này cho thấy Tổng thống mãn nhiệm không duy trì được khả năng "chắc thắng" và hiện là "có nhiều khả năng dẫn đầu," còn giả thuyết chiến thắng của bà Le Pen đã chuyển thành "khả năng" chiến thắng. Dù vậy, ông Macron khẳng định ông không hề lo ngại về kết quả cuộc bầu cử cho dù khoảng cách với ứng cử viên cực hữu Le Pen rút ngắn rất nhanh trong cả hai vòng bầu cử. 

Theo các nhà phân tích, ẩn số lớn nhất của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 là tỷ lệ cử tri không đi bầu và quyết định vào giờ chót của nhiều cử tri còn lưỡng lự. Tỷ lệ cử tri không bỏ phiếu được dự báo có thể xấp xỉ kỷ lục 28,4% của vòng một bầu cử tổng thống năm 2002. Trong hai lần bầu cử tổng thống trước, các hãng thăm dò ý định bầu đã dự đoán chính xác chiến thắng của ông Nicolas Sarkozy vào năm 2007 và của ông François Hollande vào năm 2012. Thực tế, cử tri vắng mặt không có lợi cho bất kỳ ứng cử viên nào, chỉ làm cho kết quả bầu cử thêm phần bất trắc.

Cuộc bầu cử lần này đã có nhiều diễn biến bất ngờ trong mấy tháng qua và được cho là còn khó đoán cho tới giờ kết thúc bỏ phiếu. Nước Pháp có lẽ vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một tổng thống đến từ một đảng cực hữu. Và lá phiếu của những người quyết định vào phút chót có thể làm thay đổi kết quả bầu chung cuộc so với thăm dò bỏ phiếu kể khi hai ứng cử viên Macron và Marine Le Pen lọt vào vòng hai. 

Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu tuyệt đối trong vòng bầu cử đầu tiên, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất sẽ tiếp tục tiến vào vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 24/4.