Báo Vĩnh Phúc 73 năm xây dựng và trưởng thành

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, ở tỉnh Phúc Yên, cơ quan Thông tin tuyên truyền cho xuất bản tờ tin lấy tên là Tia sáng để làm nhiệm vụ tuyên truyền, động viên nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thời gian này, ở tỉnh Vĩnh Yên có tờ tin của Ty Thông tin tuyên truyền...
0:00 / 0:00
0:00
Báo Vĩnh Phúc 73 năm xây dựng và trưởng thành

Khi sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, ở Vĩnh Phúc có 2 tờ báo: một tờ công khai cho nhân dân là tờ Vĩnh Phúc thông tin, một tờ lưu hành trong Đảng là tờ Tin Nội bộ. Ngày 22/8/1951, Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 14 về việc “Thống nhất 2 tờ báo của tỉnh làm một và nhiệm vụ viết báo cho tờ báo của tỉnh”. Ngày 22-8-1951 là thời điểm, là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Báo Vĩnh Phúc ngày nay.

Xuất phát từ vai trò, vị trí của công tác thông tin tuyên truyền trong giai đoạn cách mạng mới và thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 3/9/1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Quyết nghị số 143-QN/TU về việc “Thành lập và chỉ định cán bộ lãnh đạo Cơ quan báo Đảng tỉnh". Tại Quyết nghị, đồng chí Dương Đức Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được phân công làm Chủ nhiệm Cơ quan báo Đảng; đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Thông tin tỉnh phụ trách Trưởng Biên tập Cơ quan báo Đảng; một số đồng chí là cán bộ phòng Thông tin tỉnh sang làm cán bộ Cơ quan báo Đảng. Sau đó, Báo Vĩnh Phúc tiếp nhận thêm một số đồng chí làm ở bộ phận nội dung và phụ trách hành chính quản trị.

Báo Vĩnh Phúc đã có sự trưởng thành rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên là những cán bộ tuyên truyền của các ngành chuyển sang đều có trình độ và bản lĩnh chính trị vững vàng; hầu hết được học qua các lớp nghiệp vụ báo chí ngắn hạn hoặc dài hạn tại trường Tuyên huấn Trung ương. Bên cạnh những người viết báo chuyên nghiệp, Tòa soạn báo đã làm tốt công tác cộng tác viên. Hàng trăm cộng tác viên thường xuyên gửi tin, bài, ảnh, tranh, thơ, truyện cho báo; số lượng tin, bài của cộng tác viên được sử dụng trên mỗi kỳ báo chiếm hơn 50% dung lượng tờ báo.

Về nội dung, Báo Vĩnh Phúc đã làm tốt nhiệm vụ được giao, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của nhân dân. Các chuyên mục "Kỹ thuật nông nghiệp”, “Từ Tam Đảo đến sông Hồng”, “Người tốt, việc tốt”... đã góp phần tích cực động viên phong trào toàn dân thi đua sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước; cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên Tòa soạn không quản ngại ngày đêm bám sát cơ sở, phản ánh sinh động các phong trào: Ba sẵn sàng, Ba đảm đang; Thi đua làm thủy lợi giỏi, làm phân xanh giỏi; chăn nuôi giỏi, trồng cây giỏi; cải tiến công cụ giải phóng đôi vai; dân quân luyện tập bắn máy bay Mỹ...

Tháng 2/1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ được hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Đồng chí Nguyễn Tạo, Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc được cử giữ chức Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú. Đội ngũ các nhà báo đã có nhiều năm gắn bó cùng với các phóng viên, công nhân in... sơ tán về Lập Thạch.

Ngày 1/3/1968, Báo Vĩnh Phú in số đầu tiên, sau đó xuất bản tuần 2 kỳ, số lượng từ 4.500-5.000 tờ/kỳ.

Đây cũng là thời điểm chúng ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Báo Vĩnh Phú đã có nhiều tin, bài, ảnh cổ vũ chiến công vang dội ở khắp các chiến trường miền nam. Hòa với khí thế của cả nước, thi đua sản xuất, chi viện cho tiền tuyến lớn, cùng với quân và dân trong tỉnh, các phóng viên của tòa soạn, với tinh thần "Đâu có địch đánh phá, ta cứ đến" đã có mặt kịp thời đưa tin, viết bài, chụp ảnh nêu gương tinh thần quả cảm của quân và dân ta, kiên cường đập tan mưu đồ biến miền bắc Việt Nam trở về "thời kỳ đồ đá" của không lực Mỹ. Trên các trang báo đều in đậm nét những chiến công vang dội của quân và dân ta.

Đất nước thống nhất, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2, thứ 3 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Báo Vĩnh Phú đã bám sát nhiệm vụ chính trị bằng khẩu hiệu "Tất cả cho sản xuất, tất cả vì chủ nghĩa xã hội". Trong thời gian dài, Báo đã tập trung tuyên truyền đậm nét không khí thi đua lao động sản xuất, những điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến đạt thành tích cao về sản xuất nông nghiệp; phong trào xây dựng "Ao cá Bác Hồ", "Vườn quả Bác Hồ" được phát động khắp nơi. Đặc biệt, Báo đã có loạt bài, phản ánh phong trào "phủ xanh đất trống, đồi núi trọc" trồng cây bản địa trên đồi, trồng sắn, chè, sơn... chăn nuôi gia súc, gia cầm... được tiến hành tại các tổ, đội sản xuất bằng hình thức khoán mới, theo tinh thần Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Báo Vĩnh Phúc 73 năm xây dựng và trưởng thành ảnh 2

Phóng viên Báo Vĩnh Phúc tác nghiệp tại Nhà giàn DK1.

Bước vào thời kỳ mới, bắt tay mở đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (1986-1990) với 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ cấp bách lúc này là tập trung sức cải tiến cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước. Báo đã làm tốt nhiệm vụ "Cổ vũ tập thể, tuyên truyền tập thể" toàn dân phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất 40 vạn tấn lương thực; tuyên truyền thực hiện chủ trương cải cách về "Giá-Lương-Tiền" của Trung ương. Báo đã mở các chuyên mục: “Dân biết-Dân bàn-Dân làm-Dân kiểm tra”; "Đổi mới cách nghĩ, đổi mới cách làm"... Báo có số lượng phát hành gần 7.000 tờ/kỳ.

Bước vào năm 1991, năm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 và là năm tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991). Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000... Báo Vĩnh Phú đã tiếp tục tuyên truyền việc đổi mới quản lý kinh tế; thực hiện Nghị quyết số 10 trong nông nghiệp; các hoạt động văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể... và tham gia tích cực cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Nhiều bài đã giúp bạn đọc có thêm cái nhìn mới về công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn này.

Tháng 7/1992, báo mở rộng khuôn khổ; tháng 8/1994, xuất bản 3 kỳ/tuần (thứ: Ba-Năm-Bảy); tờ Vĩnh Phú thứ Bảy đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 20/8/1994 nhân kỷ niệm 49 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Trong suốt các năm từ 1993-1995, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ 7, Báo đã tuyên truyền có hiệu quả công cuộc đổi mới của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), báo đã có nhiều bài viết tổng kết kinh nghiệm; biểu dương các điển hình tiên tiến, nông dân làm giàu, xóa đói giảm nghèo...

29 năm hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, tờ báo của Đảng bộ giữ vững tôn chỉ mục đích, xứng đáng là đội quân xung kích của Đảng, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống; là sự kết tinh ý chí, sức mạnh toàn dân góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu mạnh.

Tháng 11/1996, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 về chia tách tỉnh Vĩnh Phú, Ban Biên tập Báo Vĩnh Phú đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cả về tổ chức, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, phóng viên để tái lập Báo Phú Thọ và Báo Vĩnh Phúc vào đầu năm 1997.

Từ ngày 1/1/1997, cùng việc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc được tái lập. Thời điểm này, Tòa soạn Báo Vĩnh Phúc có 10 cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Tửu được phân công giữ chức Tổng Biên tập.

Từ năm 1997 đến năm 2000, Báo Vĩnh Phúc phải làm việc tạm tại trụ sở Công ty Thương mại Tổng hợp Vĩnh Phúc - Khu rừng Lim, phường Ngô Quyền, thị xã Vĩnh Yên.

Phương tiện, phòng làm việc của phóng viên, kỹ thuật viên, biên tập viên rất thiếu thốn (chỉ có 3 máy vi tính, một vài tủ tài liệu, bàn ghế; 2 máy ảnh). Năm 2000, Báo mới có trụ sở chính thức. Trong điều kiện vô vàn thiếu thốn như vậy, song cán bộ, phóng viên đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực vượt khó vươn lên, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó. Ban Biên tập báo đã kịp thời tham mưu, xây dựng ma-két để khẩn trương tiến hành xuất bản. Số báo Vĩnh Phúc đầu tiên sau tái lập đã ra mắt bạn đọc đúng ngày 1/1/1997, in 4 màu trang 1+8, với sản lượng phát hành 1.600 tờ/kỳ.

Đến hết năm 2001, Tòa soạn có 45 cán bộ, phóng viên, công nhân viên. Chi bộ có 17 đảng viên, đồng chí Tổng Biên tập là Bí thư Chi bộ. Tòa soạn có 5 ban gồm: Hành chính Trị sự; Thư ký; Bạn đọc; Kinh tế; Nội chính-Văn xã-Xây dựng Đảng. Năm 1997, với 2 kỳ/tuần, phát hành vào thứ 3 và thứ 6 sang năm 1998, phát hành 3kỳ/tuần. Những nhà báo, các cộng tác viên đã bám sát hiện thực cuộc sống, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, các chính sách, các cuộc vận động; các phong trào thi đua hướng tới Đại hội Thi đua tỉnh lần thứ nhất; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào làm đường giao thông nông thôn (điển hình ở Yên Lạc). Thi đua sản xuất, kinh doanh hiệu quả… Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (tháng 2/1950-2/2000). Trên các kỳ báo hằng tuần, đăng khá đều đặn 1 phóng sự, đề cập, phân tích, mổ xẻ nhiều vấn đề xã hội quan tâm.

Hệ thống các chuyên mục được xây dựng sát hợp, giúp cho các ngành lãnh đạo, điều hành: Chuyện làng-chuyện phố; Ấm no từ VAC; Bảo vệ thực vật cho màu xanh no ấm; Giải đáp, tìm hiểu pháp luật, Xây dựng Đảng; Người tốt-Việc tốt, Tháng này năm xưa...

Trong năm 1999-2000, báo đã dành thời lượng lớn tin, bài, ảnh, trang chuyên đề tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tuyên truyền Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 (nhiệm kỳ 2001-2005). Tuyên truyền đậm nét Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (năm 2002); có nhiều bài viết tổng hợp, đánh giá khá toàn diện các mặt phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt là những thông tin về bước đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… phát triển kinh tế công nghiệp, tăng thu ngân sách của tỉnh năm 2001-2002. Báo đã phát động cuộc thi “Đất nước, con người Vĩnh Phúc”, đăng tải hàng trăm bức ảnh, bài viết khắc họa nhiều góc cạnh vẻ đẹp lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu lao động, hăng say sản xuất, sẵn sàng chiến đấu… cho bạn đọc có được bức tranh đẹp về Đất-Người Vĩnh Phúc ở thời điểm hết sức đặc biệt sau những năm tái lập tỉnh.

Từ năm 1997-2001, Báo đã bảo đảm tốt công tác phát hành: năm 1997, từ 2 kỳ/tuần; cuối năm 1998 nâng lên 3 kỳ/tuần. Số lượng phát hành từ 1.600 tờ/kỳ (năm 1997) lên 3.500 tờ/kỳ (năm 2001). Các số Báo Tết Dương lịch, Âm lịch có số lượng phát hành hơn 5.000 tờ. Đến đầu năm 2002, 90% số chi bộ, đảng bộ trong tỉnh đã đặt mua báo của Đảng bộ, tăng hơn 35% so năm 1997. Trung bình mỗi năm Báo đăng gần 4.600 tin, bài, ảnh, tranh minh họa.

Chất lượng tin bài, ảnh của báo đã có nhiều tiến bộ. Thể loại ngày càng phong phú hơn. Bên cạnh thông tin, cập nhật tình hình thời sự; tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác an sinh xã hội, gương người tốt-việc tốt, báo đã cho đăng nhiều tin, bài có tính chiến đấu cao, có nhiều bài đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Đến tháng 3/2006, báo nâng kỳ xuất bản từ 4 kỳ/tuần lên 5 kỳ/tuần, đồng thời cơ cấu lại, vừa duy trì hệ thống các chuyên mục. Thời điểm này, báo có 61 cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, trong đó, 42 cán bộ trong biên chế nhà nước.

Tháng 12/2007, Báo Vĩnh Phúc điện tử xuất bản, cập nhật nhanh, chính xác toàn diện thông tin các mặt đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu bạn đọc và yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Năm 2013, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc, Báo Vĩnh Phúc điện tử được đầu tư nâng cấp giao diện, thêm nhiều tiện ích như: truyền hình internet, phát thanh; trang tiếng Anh; đọc báo in... là một trong các trang điện tử hiện đại, có lượng truy cập tăng mạnh, đa tiện ích. Báo điện tử hiện duy trì gần 40 chuyên mục, đa dạng, phong phú về nội dung thông tin, đáp ứng tốt nhu cầu độc giả, đồng thời trao đổi, cung cấp thông tin cho các website của nhiều đơn vị sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Ngày 1/5/2010, Báo Vĩnh Phúc cuối tuần ra mắt bạn đọc. Báo Vĩnh Phúc cuối tuần xây dựng các chủ đề tuyên truyền tập trung vào các vấn đề văn hóa, xã hội. Phản ánh sâu, đậm nét các lĩnh vực, các khía cạnh mà độc giả quan tâm, để lại trong lòng độc giả những ấn tượng tốt.

Ngày 1/8/2011, xuất bản báo Vĩnh Phúc chủ nhật với chủ đề Kinh tế đô thị, cùng với hệ thống các chuyên mục đã cho bạn đọc có sự cảm nhận khá toàn diện bức tranh về sự phát triển ở nhiều lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Những vấn đề Báo chủ nhật xây dựng, đề cập trong mỗi kỳ từng bước đáp ứng nhu cầu độc giả, bắt kịp tốc độ phát triển Kinh tế-Đô thị-Thương mại-Dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Không chỉ đầu tư, phát triển về quy mô các ấn phẩm, hằng năm, vào các dịp kỷ niệm ngày truyền thống, Báo đều xuất bản các số đặc biệt tuyên truyền sâu đậm các sự kiện.

Báo đã từng bước nâng cao chất lượng nội dung các kỳ báo hằng ngày, các ấn phẩm cuối tuần, chủ nhật, bắt đầu từ việc đổi mới công tác điều hành, giao ban, xây dựng kế hoạch, giao kế hoạch, giám sát, kiểm tra thực hiện kế hoạch hằng ngày, hằng tuần, các số báo chuyên đề, số báo đặc biệt... Tiếp đó, sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực phù hợp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các vị trí được phân công nhiệm vụ. Giao quyền hạn, gắn trách nhiệm đi đôi với giải quyết hợp lý quyền lợi đội ngũ cán bộ, phóng viên, tạo môi trường, không khí, điều kiện làm việc cởi mở, dân chủ, phát huy sáng tạo của toàn cơ quan.

Để đáp ứng yêu cầu xuất bản và trên lộ trình hiện đại hóa tòa soạn, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở tòa soạn ngày càng khang trang, đầy đủ, trang thiết bị phục vụ phóng viên cũng được quan tâm đầu tư: hầu hết phóng viên có máy ảnh chuyên dụng hiện đại, có máy tính xách tay, máy ghi âm phục vụ tác nghiệp. Cùng với đó, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh, tháng 1/2014, Báo Vĩnh Phúc triển khai Dự án Tòa soạn điện tử, đến tháng 10/2014, Tòa soạn điện tử đi vào hoạt động cho phép khép kín quy trình xuất bản từ gửi tin, bài, ảnh, video, clip, biên tập (các bước), trình duyệt, xuất bản; cho phép quản lý, tìm kiếm, thống kê, báo cáo hoạt động của phóng viên, biên tập viên... theo quy trình hiện đại, tối ưu hóa các bước xuất bản; độ tin cậy, độ chính xác được nâng cao, tiết giảm nhân lực, vật tư. Từ đó đến nay, mô hình Tòa soạn điện tử vận hành, phát huy tốt hiệu quả trong công tác xuất bản tất cả các ấn phẩm, là một trong những mô hình tòa soạn hiện đại của khu vực phía bắc.

Tháng 11/2015, được sự quan tâm, đồng ý của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Báo đã khởi công đầu tư xây dựng Nhà in báo Vĩnh Phúc trên tổng diện tích mặt bằng gần 3.000m2. Hiện Nhà in đã hoàn thành, đi vào hoạt động hiệu quả.

Từ 2016 đến nay, Đảng bộ Báo Vĩnh Phúc tiếp tục lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh giao phó. Bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của tỉnh, báo xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sát với tình hình thực tế. Cùng với đó, báo đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức, cung cấp cho bạn đọc những món ăn tinh thần bổ ích, hấp dẫn. Báo Vĩnh Phúc hằng ngày, Báo cuối tuần, Báo chủ nhật trình bày hiện đại, ấn tượng hơn. Nội dung ngày càng phong phú. Các chuyên trang, chuyên mục định hình rõ ràng; lượng thông tin trên báo Vĩnh Phúc hằng ngày đa dạng, thông tin đến bạn đọc tình hình thời sự trong tỉnh, trong nước, quốc tế; tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh vào cuộc sống; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất; đấu tranh mạnh mẽ với những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, những vấn đề bất cập của thực tiễn đời sống… giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, điều hành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Báo cuối tuần, Báo chủ nhật đi sâu phân tích các vấn đề về văn hóa-xã hội, kinh tế-đô thị cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn về những vấn đề của đời sống xã hội. Báo điện tử đổi mới về cách thức thể hiện, tin bài ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; sử dụng nhiều ảnh, clip để tăng tính hấp dẫn và sức thuyết phục của tác phẩm báo chí. Tiếp tục thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ báo xây dựng báo điện tử thành ấn phẩm trung tâm, báo đã xây dựng kế hoạch, đề án phát triển báo điện tử, đến tháng 9/2019 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép nâng cấp từ trang thông tin điện tử lên báo điện tử. Từ đó, báo điện tử xác định hướng phát triển để bắt nhịp với báo chí hiện đại. Đổi mới nội dung, tăng tính tương tác, thu hút lượng bạn đọc từ nền tảng mạng xã hội đã được triển khai. Lượng truy cập báo điện từ trang web, app và fanpage đã tăng mạnh. Có những tin bài được hàng chục nghìn bạn đọc truy cập.

73 năm qua, báo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng phát triển về quy mô xuất bản, về đội ngũ và đặc biệt là về chất lượng các ấn phẩm. Đến nay, các ấn phẩm của báo phát hành các ngày trong tuần, với sản lượng gần 11.000 tờ/kỳ, hầu hết các chi bộ, đảng bộ trong tỉnh hằng ngày đều có báo của Đảng bộ. Báo điện tử, mỗi ngày có từ 12.000-15.000 lượt người truy cập. Đội ngũ những người làm báo ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, xây dựng tòa soạn Chuyên nghiệp-Hiện đại-Văn hóa.

Với thành tích đạt được trong 73 năm qua, Báo Vĩnh Phúc đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất; Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (22/8/1951-22/8/2021), Báo Vĩnh Phúc được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Tham gia các giải báo chí do tỉnh và Trung ương tổ chức, Báo Vĩnh Phúc đạt nhiều giải. Năm 2022, tập thể Báo Vĩnh Phúc nhận Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc hưởng ứng Giải Búa liềm vàng lần thứ VII; năm 2023 nhận Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tham gia Giải Diên Hồng lần thứ nhất. Nhiều phóng viên tham gia và đạt giải, trong đó có giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng năm 2021; giải Chuyên đề Giải Búa liềm vàng năm 2022; giải Ba Giải Búa liềm vàng năm 2023; giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023…