Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

NDO - Ngày 7/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm góp ý và trao đổi về một số vướng mắc liên quan đến thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Theo nội dung của Luật, một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung; trong đó có nhiều điều khoản, quy định mới liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định khi Luật có hiệu lực, Bộ Công thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo). Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, qua nghiên cứu nội dung Dự thảo Nghị định và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, cũng như trên cơ sở ý kiến của một số tổ chức tín dụng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận thấy có một số vướng mắc cần tháo gỡ trong triển khai Luật và có ý kiến góp ý đối với Dự thảo.

Đơn cử, về giải thích từ ngữ (Điều 2), Dự thảo đã đề cập đến nhiều thuật ngữ mới, nhưng trong đó không có giải thích rõ hoặc đưa ra các tiêu chí xác định, sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong thực tế. Thí dụ: quy định về Người có ảnh hưởng, Người nổi tiếng, Người uy tín, Người được xã hội chú ý, có lượng người quan tâm, theo dõi đáng kể trên phương tiện truyền thông...; còn khá chung chung và chưa cụ thể các tiêu chí để xác định thế nào là Người có ảnh hưởng, Người nổi tiếng, Người uy tín... “Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn các khái niệm trên hoặc có dẫn chiếu theo quy định của pháp luật nào?” ông Hùng nêu rõ.

Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ảnh 1

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, đại diện VNBA cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn định nghĩa “Người tiêu dùng” tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có bao gồm Tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.”. Theo đó, định nghĩa Người tiêu dùng nêu trên vẫn chưa làm rõ vấn đề “tổ chức” có phải là người tiêu dùng hay không. Đồng thời, với định nghĩa nêu trên sẽ có bất cập ở chỗ trường hợp cá nhân đại diện cho tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho mục đích phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tổ chức (người sử dụng) thì tổ chức đó không được bảo vệ mà người được bảo vệ lại là cá nhân đại diện tổ chức (người mua).

“Do đó, đề nghị bổ sung khái niệm “Người mua, sử dụng” vào Dự thảo Nghị định theo hướng Người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được hiểu bao gồm: tổ chức, cá nhân”, VNBA góp ý kiến.

Ngoài ra, dưới góc độ ngân hàng, hoạt động ngân hàng cung ứng các nghiệp vụ sau: Nhận tiền gửi; Cấp tín dụng và Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Trong 03 hoạt động trên chỉ hoạt động Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là cung ứng dịch vụ, còn hai hoạt động Nhận tiền gửi và Cấp tín dụng bản chất là hoạt động của Ngân hàng, không phải hoạt động cung ứng dịch vụ, cũng không phải là hoạt động mua, bán hàng hóa, sản phẩm.

Vì vậy, để tránh phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến sự tùy nghi trong việc giải quyết tranh chấp tại các cơ quan, ý kiến từ đại diện một số tổ chức tín dụng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung hướng dẫn vào Dự thảo Nghị định về việc hoạt động Nhận tiền gửi và Cấp tín dụng của tổ chức tín dụng theo Luật các Tổ chức tín dụng không phải hoạt động mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, tại Luật sửa đổi lần này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định tại Luật năm 2010, Luật cũng bổ sung một số quy định mới để bảo đảm điều chỉnh toàn diện các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Ngay sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội thông qua, trên cơ sở đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Kế hoạch, Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét vào tháng 12/2023.

“Để bảo đảm chất lượng và tiến độ của Dự thảo Nghị định, trong thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tập trung nguồn lực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng Dự thảo Nghị định. Ủy ban đã tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định theo đúng quy định, đồng thời, mở rộng phạm vi, hình thức lấy ý kiến để bảo đảm tiếp nhận toàn diện các ý kiến của các chủ thể có liên quan đối với dự thảo Nghị định. Tới ngày 25/10, Ủy ban đã tổng hợp ý kiến của 15 Bộ, 44 UBND các tỉnh, thành, 07 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp khác. Trên cơ sở tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu trên, Dự thảo Nghị định hiện đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét,” bà Quỳnh Anh chia sẻ.