Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển Bền vững (SDGs), với lời hứa trọng tâm là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” (leave no one behind - LNOB). Năm 2016, cách tiếp cận này của Liên hợp quốc được thông qua, bao gồm một khuôn khổ hành động chung yêu cầu các quốc gia thành viên xóa bỏ đói nghèo dưới mọi hình thức, chấm dứt sự phân biệt đối xử, có biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, dễ bị tổn thương khiến con người bị tụt hậu, làm suy giảm tiềm năng của các cá nhân và nhân loại. Tháng 7/2020, tại Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các chuyên gia của Liên hợp quốc như bà Leilani Farha-Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề bảo đảm có nhà ở đầy đủ cho người dân, ông Philip Alston-Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề nghèo đói, bà Dubravka Šimonović-Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ,... đã đưa ra cảnh báo đến các đại biểu tham dự rằng: “Cam kết mạnh mẽ và khẩn cấp để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau chỉ có thể được thực hiện nếu không có quyền con người nào bị bỏ lại phía sau”. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 phụ thuộc vào việc phù hợp với những cam kết về quyền con người.
Theo Liên hợp quốc, một trong những nguyên nhân chính khiến nhóm người bị bỏ lại phía sau là do các hình thức phân biệt đối xử dai dẳng, bao gồm cả phân biệt đối xử về giới, khiến cá nhân, gia đình và nhóm cộng đồng bị gạt ra ngoài lề và bị bỏ lại. Thực hiện cam kết với tư cách quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế phổ quát như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT)... Nội dung các điều ước quốc tế trên đã được đưa vào các chính sách và pháp luật của Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người nói chung, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương nói riêng.
Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả qua các chính sách và chương trình hành động, đặc biệt là các quy định pháp luật dành cho các nhóm dễ bị tổn thương, để họ có cơ hội được thụ hưởng, thực thi các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2016-2020 tại Việt Nam đã giúp cho giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước xuống còn 2,75% (năm 2020). Để giảm tỷ lệ tái nghèo, giảm nghèo đa chiều, một loạt văn bản được ban hành, triển khai như: Nghị quyết 24/2021/QH15 nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030... với mục tiêu đưa tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; giảm 1,5 triệu người nghèo/năm; giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức dưới 3%... Riêng trong năm 2020, Việt Nam đã tiếp đón 221 đoàn triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ trẻ mồ côi, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế cho người dân. Việt Nam đã ban hành, thông qua nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thu hẹp khoảng cách, chống phân biệt đối xử, xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ.
Nhằm thu hẹp khoảng cách với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Chính sách không phân biệt đối xử còn được thể hiện qua công tác tuyển chọn nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy: trong 499 người trúng cử có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 17,84%); đặc biệt, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đây là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện, bảo đảm quyền chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, bên cạnh việc ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006 và tham gia CEDAW, từ năm 2011-2020, Quốc hội đã sửa đổi, ban hành 45 bộ luật, luật liên quan đến bình đẳng giới, Chính phủ ban hành 1.413 Nghị định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới trong mục tiêu thiên niên kỷ (MDG 2013) trước thời hạn năm 2015 để xóa bỏ khoảng cách về giới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) là 26,8%; đến Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) tỷ lệ nữ tăng 30,26% (151/499 đại biểu). Theo thống kê năm 2019 tỷ lệ lao động nữ chiếm 47,3%; Việt Nam có khoảng 285,6 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu (chiếm 24% số doanh nghiệp trên cả nước). Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 92%. Để cải thiện các vấn đề còn tồn tại, Việt Nam vẫn đang không ngừng nỗ lực thực hiện quyền bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” và Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030,… nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các quốc gia đã phải nỗ lực để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 10: Giảm bất bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên khi dịch bệnh xuất hiện, vấn đề này càng trở nên nổi cộm. Theo ông Bonny Ibhawoh-Chủ tịch Cơ chế chuyên gia của Liên hợp quốc về Quyền phát triển, cho rằng “Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về chủng tộc, xã hội, chính trị và kinh tế, đe dọa quyền con người của những người và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Trước nguy cơ từ đại dịch Covid-19, Việt Nam, đã khẳng định phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thể hiện thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Chính phủ, hành động của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức và toàn thể cộng đồng cùng phòng, chống dịch bệnh. Để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với người dân, chính quyền các địa phương đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để huy động, tiếp nhận mọi nguồn lực hỗ trợ nhằm phân bổ kịp thời, hỗ trợ người dân tại các khu vực phong tỏa, cách ly, giúp người dân không bị thiếu thốn; đồng thời chú ý ban hành các chính sách trực tiếp chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, lao động bị mất việc, lao động tự do không có thu nhập gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Đến nay, Chính phủ đã xuất cấp 153,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho một số địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có thể tiếp cận nhanh nhất gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, các chính sách hỗ trợ khác, cũng như hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tính đến ngày 23/11/2021, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ cho hơn 28 triệu đối tượng, với tổng kinh phí là 28,4 nghìn tỷ đồng. Với Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 “Về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19”, Chính phủ đã lập Quỹ và huy động xấp xỉ 8.800 tỷ đồng (tính đến đầu tháng 12/2021) nhằm bảo đảm nguồn lực vắc-xin phòng Covid-19 có thể bao phủ tiêm chủng đến toàn dân, bảo đảm miễn dịch trong cộng đồng, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh khi tiếp nhận liều vắc-xin đầu tiên của COVAX về Việt Nam (tháng 4/2021). Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu đến hết năm 2021 cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho người trên 18 tuổi, các địa phương cần nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để triển khai các giải pháp nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Và hiện tại, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 từ cuối năm 2021.
Với mục tiêu xuyên suốt “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương. Cùng với nỗ lực bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, chúng ta đã đưa vào quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; triển khai các chính sách ưu đãi thiết thực, tạo điều kiện và giúp đỡ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm trong xã hội và tạo cơ hội để các nhóm dễ bị tổn thương hưởng thụ các giá trị của quyền con người, quyền công dân... Đó là những minh chứng sinh động thể hiện cam kết rõ ràng của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhằm xóa bỏ đói nghèo dưới mọi hình thức, chấm dứt phân biệt đối xử, giảm bớt tình trạng bất bình đẳng và dễ bị tổn thương khiến con người bị tụt hậu, giảm khả năng đóng góp với xã hội.