Trong hơn ba thập kỷ qua, vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Và Việt Nam trong nhiều năm luôn được đánh giá là điểm sáng trên thế giới về triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp phòng bệnh cho hàng triệu em nhỏ cũng ngăn chặn tử vong cho hàng trăm nghìn trẻ.
Thế nhưng, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã trở thành thách thức đối với tất cả các nước trên thế giới trong việc duy trì các hoạt động nhằm bao phủ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em. Đã có khoảng 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị lỡ lịch tiêm các loại vaccine định kỳ.
Một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như: sởi, bại liệt… giờ lại đang bùng phát ở một số quốc gia. Tại Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm lớn về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em, và chúng ta nằm trong nhóm những nước có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức hàng đầu thế giới về bảo vệ sức khỏe đã đưa ra khuyến nghị các nước khẩn trương thực hiện các giải pháp bảo đảm mọi trẻ em đều được tiếp cận những loại vaccine thiết yếu.
Việc tăng tỷ lệ trẻ được tiêm đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng sẽ giúp bảo vệ thành quả về phòng bệnh cho trẻ em, cũng như phòng tránh các đợt bùng phát dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Để nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ, cần bảo đảm đạt hai yếu tố đóng vai trò quan trọng, đó là cung ứng đủ vaccine cho việc mở rộng bao phủ vắc-xin và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Thế nhưng, sau khi chuyển từ cơ chế đặt hàng tập trung của Bộ Y tế phân bổ cho các địa phương sang để cho các địa phương tự đấu thầu mua, nhiều tỉnh, thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hiện một số loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng vốn được cung cấp theo cơ chế đặt hàng nên chưa có nhà cung cấp, không có kê khai giá nên không đủ điều kiện để đấu thầu, mua sắm cũng gây khó khăn cho các địa phương nếu thực hiện riêng lẻ.
Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế xem xét, có phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng.
Mặt khác, quy trình an toàn tiêm chủng cần được tuân thủ nghiêm tại các đơn vị triển khai; tập huấn lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trong trường hợp cần thiết. Siết lại việc thực hiện quy trình an toàn tiêm chủng cũng cần được rà soát tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trong cả nước.
Mỗi đơn vị, cán bộ y tế khi tiêm vaccine cần tuân thủ quy tắc “3 tra, 5 chiếu”, gồm: Kiểm tra tên người bệnh, tên thuốc, liều thuốc; đối chiếu nhãn thuốc, thời gian dùng thuốc, chất lượng thuốc, đường dùng thuốc, số giường và số phòng. Ngoài ra, tất cả người được tiêm đều phải thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện bất thường, đồng thời đảm bảo người được tiêm chủng đủ điều kiện sức khỏe để tiêm, hạn chế đến mức thấp nhất những phản ứng sau tiêm.