Bảo vệ thành công rừng vùng giáp ranh

Các tỉnh Phú Yên, Đác Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đác Lắc đã thực hiện quy chế phối hợp về công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các vùng giáp ranh. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thời gian qua, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng tại các khu vực này đã được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả…

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên tuần tra khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Sông Hinh (Phú Yên) và M'Đrắc (Đác Lắc).         Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên tuần tra khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Sông Hinh (Phú Yên) và M'Đrắc (Đác Lắc).         Ảnh: PHƯƠNG NAM

Thực tế khó khăn

Những khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh Phú Yên, Đác Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đác Lắc có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, trữ lượng gỗ lớn, tập trung nhiều loại gỗ quý và các loài động vật, thực vật quý hiếm; có tác dụng phòng hộ đầu nguồn các con sông lớn… Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nằm cách xa trung tâm, trong khi dân cư sống phần nhiều phụ thuộc vào rừng cho nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để kiểm soát tốt tình hình. Đứng trước thực tế này, dưới sự chỉ đạo của chính quyền các địa phương, các Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng và ký kết quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ rừng các vùng giáp ranh. Trong đó, các địa phương đã thống nhất về mục tiêu, trách nhiệm cụ thể của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng. Dựa trên quy chế phối hợp này, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên… tiến hành xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể trong việc phối hợp tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Sau một thời gian triển khai, phối hợp, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh đã được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả hơn trước.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc, các khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh Phú Yên, Đác Nông, Khánh Hòa luôn trở thành điểm nóng bởi các vi phạm pháp luật. Các đối tượng đã lợi dụng đặc thù quản lý rừng tại các khu vực giáp ranh để phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép. Tỉnh có hai huyện Ea Kar, M’Đrắk tiếp giáp với huyện Sông Hinh của tỉnh Phú Yên. Tại khu vực này có nguồn tài nguyên động vật, thực vật phong phú, đường giao thông khá phát triển, nhất là đường thủy, trong đó có tuyến sông Krông H’Năng, sông Ba cùng với quốc lộ 29 chạy cắt ngang Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã gây nhiều áp lực cho công tác bảo vệ rừng tại đây. Riêng huyện M’Đrắk tiếp giáp với ba xã Cư Prao, Ea Mdoal, Ea Hmlay của tỉnh Phú Yên với chiều dài khoảng 36 km, gần đây đã diễn ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, quy mô lớn, các đối tượng hoạt động có tổ chức. Bên cạnh đó, tại đây còn xảy ra tình trạng một số hộ dân người Mông sống gần rừng đã khai thác gỗ trái phép để xây dựng, sửa chữa nhà cửa, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý rừng. Trong hai năm (từ năm 2013 đến 2015), trong khu vực đã xảy ra 71 vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ và quản lý rừng, trong đó có 18 vụ khai thác và phá rừng trái phép, 12 vụ vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép. Các lực lượng chức năng đã xử lý một vụ án hình sự và 70 vụ xử lý hành chính, tịch thu 92 phương tiện, máy móc, hơn 57 m3 gỗ, xử phạt gần 500 triệu đồng. Khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đác Nông và Đác Lắc, gồm ba huyện Buôn Đôn, Krông Ana, Lắc, TP Buôn Ma Thuột của tỉnh Đác Lắc và hai huyện Cư Jút, Krông Nô của tỉnh Đác Nông. Tại khu vực này, trong hai năm đã xảy ra 26 vụ việc, trong đó có 17 vụ vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép, ba vụ khai thác rừng trái phép, xử lý hành chính 25 vụ, một vụ xử lý hình sự, thu giữ gần 25 m3 gỗ các loại. Đây là một trong các điểm nóng về công tác bảo vệ rừng tại các khu vực có rừng giáp ranh. Tại các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đác Lắc với Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng thường xuyên xảy ra các vụ việc phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép luôn đòi hỏi lực lượng kiểm lâm các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt rừng tại các khu vực trọng điểm giáp ranh…

Phối hợp để kiểm soát hiệu quả

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Phú Yên Trần Văn Linh cho biết, nhờ quy chế, phương án phối hợp giữa các tỉnh Phú Yên, Đác Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đác Lắc được xây dựng chặt chẽ, đồng bộ, triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, kết quả đã xử lý được nhiều vụ việc "nóng" tại các khu vực giáp ranh. Hiệu quả của công tác phối hợp qua đó được nâng cao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương vùng giáp ranh đã quan tâm sâu sát, chỉ đạo thường xuyên, vận động hiệu quả góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều khu vực trước đây từng là điểm nóng, thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm, nhờ phối hợp tốt, đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, nhân dân đã tham gia tố giác hàng trăm đối tượng, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các sai phạm.

Hiện nay, khu vực có rừng giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đác Lắc (gồm các huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) với các huyện M’Đrắk, Krông Bông (Đác Lắc), giữa tỉnh Đác Lắc và tỉnh Lâm Đồng (bao gồm các huyện Lắc, Krông Bông (Đác Lắc) và Lạc Dương, Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng) cũng đang trở thành nơi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về rừng của các đối tượng. Tại các khu vực này, các lực lượng chức năng của các tỉnh đã phối hợp tổ chức gần 300 đợt tuần tra truy quét, qua đó trục xuất khỏi rừng 150 đối tượng; phát hiện xử lý 18 vụ vi phạm, tịch thu 570 dây bẫy, 11 súng tự chế, phá nhiều lán trại xây dựng trái phép trong rừng… Do phối hợp tốt giữa lực lượng kiểm lâm các tỉnh, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông đã ngăn chặn kịp thời vụ phá rừng do 82 đối tượng người dân tộc Ê Đê cư trú tại Buôn K6, xã Băng A Drênh, huyện Krông Na và Buôn E Rang, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) thực hiện, làm thiệt hại gần 8 ha rừng thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quang Đức quản lý. Các đối tượng sau đó còn nhiều lần quay lại tiếp tục phá rừng nhưng đều bị lực lượng kiểm lâm phối hợp giữa hai tỉnh phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc Y Sy H’Dowk, để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy chế phối hợp cho phù hợp tình hình hiện nay. Mặt khác, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng kiểm lâm với Quân đội, Công an, quản lý thị trường trong việc kiểm tra, truy quét, chống phá rừng giáp ranh. Mỗi tỉnh cần thành lập, duy trì hoạt động các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát tình hình xâm hại tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, giáo dục và thường xuyên vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát triển rừng.