Qua đó xây dựng mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động ngày càng gắn kết, hài hoà và tiến bộ góp phần trực tiếp vào sự phát triển của doanh nghiệp và nâng cao đời sống của người lao động.
Những thỏa ước với quyền lợi tốt hơn
Cầm bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLÐTT) đã ký cách đây một tháng với Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rakus Việt Nam (vốn Nhật Bản, đóng tại Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12), Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) quận 12 Nguyễn Thị Ngoãn nhận định: Ðây là bản thỏa ước mang lại rất nhiều phúc lợi cho người lao động tại đơn vị. Bản TƯLÐTT này được Chủ tịch LÐLÐ quận 12 đại diện tập thể người lao động tại công ty thương lượng và ký kết với chủ doanh nghiệp, có hiệu lực hai năm. Bản thỏa ước có 13 nội dung, trong đó có nhiều nội dung bảo đảm phúc lợi tốt nhất cho người lao động, cụ thể: doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề cho người lao động; thưởng tháng lương thứ 13, thưởng đột xuất, thưởng nhân viên xuất sắc hằng quý/hằng năm; lao động nam có vợ sinh con được nghỉ ba ngày hưởng nguyên lương; trong thời gian mang thai, lao động nữ được tiếp tục ký hợp đồng lao động mới khi hợp đồng hết hạn. Bên cạnh đó, người lao động được trợ cấp lệ phí thi lấy bằng ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật; trợ cấp một triệu đồng/tháng/môn cho các câu lạc bộ thể thao tại đơn vị…
Ðối với hoạt động công đoàn, giám đốc doanh nghiệp cũng cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nhân viên tham gia, xúc tiến thành lập công đoàn theo đúng quy định của pháp luật. Cũng nhằm mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động, bảo đảm được hưởng tối ưu các chế độ, chính sách như pháp luật lao động quy định, trước đó, LÐLÐ quận 12 đã ký TƯLÐTT với lãnh đạo hai doanh nghiệp, đóng trong Công viên phần mềm Quang Trung là Công ty TNHH Duy Nhất và Công ty TNHH Cad Network (100% vốn Nhật Bản).
Từ sự giải thích hợp lý hợp tình của cán bộ LÐLÐ quận 10, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại SIV (quận 10) chuyên ngành thời trang đã thống nhất ký TƯLÐTT với Chủ tịch LÐLÐ quận 10. Công ty được thành lập vào đầu năm 2018, với 30 nhân viên nhưng không có bộ phận Công đoàn cho nên mọi chế độ, quyền lợi của người lao động đều được thể hiện trong Hợp đồng lao động của từng nhân viên. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại SIV Trương Công Phát chia sẻ: "Theo tôi, những nội dung giao kết giữa chủ doanh nghiệp và người lao động được nêu trong hợp đồng chỉ là những điều khoản chung nhất, đó là cơ sở để hai bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, khi được công đoàn cấp trên giải thích, vận động, tôi thấy cần thiết cho nên chủ động đề nghị LÐLÐ quận 10 hướng dẫn lập bản thỏa ước với nhiều phúc lợi cao hơn và toàn diện hơn cho người lao động so với Hợp đồng lao động". Theo lãnh đạo LÐLÐ quận 10, hiện nay, quận có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân không có công đoàn cơ sở, hầu hết đơn vị chỉ thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động và thực hiện đối thoại định kỳ mà chưa xây dựng TƯLÐTT. Từ năm 2018 đến nay, LÐLÐ quận 10 đã đại diện người lao động ký 15 bản TƯLÐTT với các doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở.
Hài hòa lợi ích
Theo LÐLÐ các quận - huyện ở TP Hồ Chí Minh, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Nghị định của Chính phủ đều có quy định doanh nghiệp phải xây dựng TƯLÐTT nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ đối với người lao động nhưng đây lại không được xem là điều kiện bắt buộc. Do đó, phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đã lập TƯLÐTT, còn doanh nghiệp tư nhân chưa quan tâm đến quy định này. Chủ tịch LÐLÐ quận 12 Nguyễn Thị Ngoãn cho biết: Thông thường, chủ doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi tiếp xúc các cơ quan chính quyền. Khó khăn nhất trong quá trình thương lượng, ký TƯLÐTT là tiếp cận chủ doanh nghiệp và người lao động để từ đó làm cho họ hiểu về tổ chức công đoàn cũng như tầm quan trọng của TƯLÐTT. Nội dung thỏa ước phải bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động, làm sao để chủ doanh nghiệp thấy việc ký TƯLÐTT là cần thiết, là cơ sở để hai bên căn cứ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Duy Nhất, đơn vị ký TƯLÐTT với LÐLÐ quận 12 bộc bạch: Chính cán bộ công đoàn quận đã phân tích và tư vấn để chúng tôi nhận thấy và hiểu rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của TƯLÐTT. Trước đó, Ban Giám đốc doanh nghiệp từng xây dựng những nội dung tương tự như TƯLÐTT để thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động, nhưng bản thỏa ước vừa ký thể hiện rõ nhất việc chăm lo, quan tâm, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động.
Phó Chủ tịch LÐLÐ quận 10 Phạm Hồng Hải nhận định: Việc ký TƯLÐTT còn giúp doanh nghiệp có điều kiện minh bạch chi phí tài chính đối với cơ quan thuế, đồng thời là cơ sở công khai minh bạch chế độ do doanh nghiệp thực hiện đến toàn thể người lao động. Nhiều LÐLÐ quận, huyện đã chủ động soạn thảo nhiều TƯLÐTT phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc thù nghề nghiệp của từng đơn vị, từng doanh nghiệp để khi ban hành bảo đảm hài hòa lợi ích người lao động và doanh nghiệp. Theo LÐLÐ quận Bình Thạnh, để có được TƯLÐTT đúng nghĩa, LÐLÐ quận đã tìm hiểu cặn kẽ tình hình kinh doanh cũng như những chính sách mà doanh nghiệp đang áp dụng với người lao động, tiếp đó dự thảo TƯLÐTT được gửi qua thư điện tử đến từng người lao động để đóng góp ý kiến, đồng thời nêu nguyện vọng của mình trước khi chuyển đến lãnh đạo doanh nghiệp góp ý, thông qua.
Phó Chủ tịch LÐLÐ TP Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ chia sẻ: Công tác ký TƯLÐTT được hầu hết công đoàn cấp trên quan tâm thực hiện; trong đó số thỏa ước có lợi cho người lao động tăng so với trước, và số thỏa ước sao chép luật đã được kéo giảm. LÐLÐ thành phố cũng chỉ đạo các cấp công đoàn kết hợp chặt chẽ việc triển khai các hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với đẩy mạnh chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nhất là gắn với thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở. LÐLÐ quận, huyện thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong thương lượng tập thể, cụ thể hóa khung tiêu chí đánh giá chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLÐTT tại công đoàn cơ sở, thí điểm các mô hình TƯLÐTT mới phù hợp thực tiễn quan hệ lao động tại Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật LÐLÐ TP Hồ Chí Minh Trần Văn Triều cho biết: Theo quy định của Bộ luật Lao động, TƯLÐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Nội dung TƯLÐTT không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Nội dung thương lượng tập thể bảo đảm các nội dung, như: Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động; nội dung khác mà hai bên quan tâm. Cũng theo khoản 3, Ðiều 188 Bộ luật Lao động, ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm tham gia thương lượng, ký và giám sát việc thực hiện TƯLÐTT… |