- Xin ông cho biết yếu tố ánh sáng ảnh hưởng tới thị lực như thế nào, có những bệnh gì về mắt liên quan đến ánh sáng?
- PGS-TS Đỗ Như Hơn: Ánh sáng và đôi mắt luôn đi đôi với nhau. Muốn nhìn được thì phải có ánh sáng. Cường độ ánh sáng chính là yếu tố gây nên một số bệnh về mắt. Chẳng hạn ánh sáng có cường độ quá lớn (như từ lửa hàn, tia cực tím, tia tử ngoại, laser) có thể gây bỏng đáy mắt. Những người làm việc, học tập, tiếp xúc nhiều bằng mắt với các thiết bị điện tử như máy tính, màn hình TV... thường hay gặp các tật khúc xạ.
- Còn vấn đề thiếu sáng thì sao? Bệnh cận thị rất phổ biến trong các em học sinh có liên quan tới việc thiếu ánh sáng hay không, thưa ông?
- Khi ánh sáng không đủ thì sẽ gây trở ngại cho khả năng nhìn, làm nhức, mỏi mắt. Như thế nào là thiếu sáng hay đủ sáng còn phụ thuộc vào yêu cầu công việc, ngoại cảnh. Mắt của con người có khả năng thích nghi với cường độ sáng khá rộng, thông thường là từ 100 lux đến 400 lux đối với đèn huỳnh quang, tương đương 50 đến 200 lux khi dùng đèn dây tóc. Thói quen và môi trường cũng khiến con người thích nghi với một độ sáng nhất định mà khi thay đổi sẽ khiến cho họ cảm thấy tối hơn hoặc chói mắt hơn.
Một phòng học chiếu sáng tốt cần phải đạt các tiêu chuẩn: - Độ chiếu sáng trên bàn học và bảng phải đạt từ 300 lux đến 500 lux - Ánh sáng của các nguồn sáng dài phải chiếu trực tiếp từ trên trần xuống, không bị loáng quạt do đèn được bố trí dưới quạt. - Đèn phải có chao chụp sao cho học sinh và giáo viên không nhìn thấy bóng đèn đang phát sáng, không bị chói, bị lóa khi nhìn lên bảng. - Các đèn được treo sao cho độ rọi sáng trên các mặt bàn có độ đồng đều, học sinh ngồi học không bị sấp bóng. - Phổ bức xạ của đèn càng gần với phổ nhạy cảm ban ngày của mặt người càng tốt: độ nhìn chữ sẽ rõ nhất, hao phí thị lực ít nhất, có cảm giác thoải mái nhất. - Số lượng đèn bố trí trong lớp học là ít nhất, nhưng vẫn bảo đảm được độ rọi sáng theo tiêu chuẩn. Mật độ công suất tiêu thụ điện chỉ < 1OW/m2. Chi phí đầu tư giảm, kinh phí bảo dưỡng, điện năng tiêu thụ giảm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Có những công việc đòi hỏi độ chính xác cao như lắp ráp chi tiết máy, phân loại màu, OTK... thì cần cường độ chiếu sáng tiêu chuẩn là từ 500 lux đến 1000 lux (đối với đèn huỳnh quang). Cá biệt, trong phòng phẫu thuật thì cần tới 10.000 lux cho chiếu sáng tại chỗ.
Còn về những bệnh liên quan đến thiếu sáng thì chúng ta vẫn chưa có những nghiên cứu và thống kê cụ thể. Bệnh cận thị cũng thế, nó liên quan đến vấn đề ánh sáng nhưng khó có thể nói bị cận thị là do thiếu ánh sáng. Chúng ta thấy tỷ lệ trẻ em bị cận ở thành phố lớn hơn ở nông thôn rất nhiều, nhưng không thể nói là việc chiếu sáng ở nông thôn tốt hơn. Phần lớn mọi người bị cận thị sau một thời gian dài phải đọc sách, tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, TV ở khoảng cách gần.
- Như vậy vấn đề cần quan tâm không chỉ có chiếu sáng?
- Đúng vậy, theo Tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Bộ Y tế, cường độ chiếu sáng chung trong phòng học là 300 lux (đèn huỳnh quang). Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố quan trọng phải xem xét, đó là bảng có bị bóng, gây lóa mắt hay không; tường và mặt bàn nếu quá sẫm màu cũng gây cảm giác tối, ngược lại, nếu bàn học quá sáng sẽ phản chiếu khiến các em nhức, mỏi mắt; tư thế ngồi không được gây sấp bóng. Điều quan trọng không kém là sự điều tiết thời gian học tập hợp lý, cứ mỗi giờ các em nên được nghỉ ngơi 10-15 phút; thỉnh thoảng nên nhìn những điểm, vật ở xa để điều tiết mắt... Các bậc cha mẹ và thầy cô giáo chính là những người đầu tiên phải chú ý tới việc tạo cho các em môi trường, thói quen sống, học tập hợp lý, khoa học, để không chỉ giúp các em tránh được các bệnh về mắt mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe.
- Xin cảm ơn ông!