Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm tới 72% với 6,3 triệu tấn, vượt qua số lượng thép HRC của doanh nghiệp sản xuất trong nước với 5,1 triệu tấn. Riêng trong tháng 9, lượng thép HRC nhập khẩu đã đạt 1,2 triệu tấn, tăng 34% so tháng 8 và gấp 2,2 lần sản lượng sản xuất trong nước.
Sở dĩ lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm lượng lớn là do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30-70 USD tùy từng loại sản phẩm. Đồng thời, những năm gần đây, ngành thép của một số quốc gia đang đối diện với “khủng hoảng thừa nguồn cung”, buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu, thậm chí giá bán thấp hơn chi phí sản xuất để giải phóng lượng hàng tồn kho.
Trước tình hình nhập khẩu ồ ạt thép HRC giá rẻ vào Việt Nam và có dấu hiệu bán phá giá, ngày 26/7 vừa qua, Bộ Công thương đã có động thái tiến hành điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, quá trình điều tra có thể kéo dài đến một năm, trong khi tình trạng đáng báo động là thép nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn vào thị trường với số lượng cao hơn nhiều so thép sản xuất trong nước.
Thép giá rẻ từ Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên thị trường toàn cầu
Trên thực tế, ngành thép luôn là công nghiệp xương sống, quan trọng cần khuyến khích phát triển và ưu tiên bảo vệ sản xuất. Tình trạng nêu trên kéo dài sẽ gây ra hệ lụy xấu cho thị trường, gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, buộc phải thu hẹp sản xuất, người lao động bị mất việc làm, từ đó tác động tiêu cực đến phát triển chung của nền kinh tế.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam đã có thể tự chủ sản xuất thép HRC (nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ống thép, tôn mạ, các sản phẩm cơ khí,…) với sự tham gia của các doanh nghiệp như Hòa Phát, Formosa. Hiện tổng sản lượng sản xuất HRC của hai đơn vị này khoảng 8,5 triệu tấn/ năm.
Tuy nhiên, trước nhu cầu lớn từ thị trường trong nước (khoảng hơn 11 triệu tấn/ năm), nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thép HRC lớn trong nước như Hòa Phát và Formosa cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy mô sản xuất, chủ động tái cơ cấu, tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tạo ra năng lực cạnh tranh tốt nhất với thép nhập khẩu.
Khó khăn bủa vây ngành thép
Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu, bởi nếu quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam, khiến giá thép thành phẩm trong nước luôn phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.
Song song với đó, trong quá trình chờ kết quả điều tra về dấu hiệu bán phá giá thép HRC nhập khẩu của Bộ Công thương, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của sản xuất trong nước, bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động và tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.
Quan điểm của Chính phủ là tập trung bảo vệ sản xuất thép trong nước, nhất là sản xuất thượng nguồn (luyện thép), góp phần thúc đẩy sản xuất, gia tăng đầu tư. Từ đó, giúp các doanh nghiệp từng bước làm chủ thị trường trong nước, đa dạng hóa sản phẩm, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngành thép Việt Nam thời gian tới.