KỲ HỌP THỨ BA, QUỐC HỘI KHÓA XV

Bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia

Ngày 15/6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận và biểu quyết thông qua một số nội dung quan trọng.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí

Mở đầu phiên họp buổi sáng hôm qua, các đại biểu Quốc hội nghe đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, với 453/457 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,96% tổng số đại biểu).

Thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Lê Mạnh Hùng (Cà Mau) và nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành Dầu khí với vai trò là một trong những ngành quan trọng trong phát triển đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đề cập về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 4 chưa thật sự phù hợp. Bởi, quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Do vậy, để bảo đảm thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, đại biểu đề nghị cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế đến mức thấp nhất việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành Dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Hiện nay, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn; một trong những định hướng sửa đổi quan trọng dự thảo Luật này là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu luôn tăng cao... Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đề nghị cần xem xét không đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để những điều khoản, nội dung của dự thảo Luật phù hợp thực tế hoạt động ngành dầu khí trong tình hình mới.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) và một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, ngành… Vì vậy, các quy định trong dự thảo Luật cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí, như: đầu tư lớn, rủi do cao, công nghệ hiện đại, phức tạp, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng gắn với quốc phòng-an ninh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để ngành dầu khí nâng cao năng lực, hiệu quả…

Tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông. Một số đại biểu nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Liên quan vấn đề xử lý vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về thu hồi giấy phép và không hoàn trả các khoản tài chính mà doanh nghiệp đã nộp là biện pháp xử lý vi phạm hành chính hay quản lý nhà nước và dựa trên cơ sở pháp lý nào, đồng thời cần phải quy định cụ thể các khoản tài chính nào không được hoàn trả.

Vấn đề cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện là một trong những nội dung chính của dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp. Đối với phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn áp dụng. Phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần giải trình lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành.

Về điều kiện tham gia đấu giá, Dự thảo Luật kế thừa các quy định của Luật 2009, đồng thời bổ sung điều kiện doanh nghiệp được tham gia đấu giá, thi tuyển là phải có cam kết triển khai mạng viễn thông. Đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá, những trường hợp nào phải thi tuyển. Có ý kiến đề nghị cần có quy định chặt chẽ các điều kiện đối với yếu tố nước ngoài tham gia đấu giá nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, sự phát triển lành mạnh của thị trường kinh doanh viễn thông di động.

Cho ý kiến về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà các tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, quy định này sẽ tránh tình trạng thâu tóm, độc quyền; sử dụng không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên tần số. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về việc phân bổ, quy hoạch hệ thống thông tin di động mặt đất. Thực tế tại Việt Nam, nhu cầu tần số cũng như nhà mạng khác nhau, phụ thuộc vào số lượng, thị phần thuê bao. Việc quy định giới hạn dẫn đến thực trạng: doanh nghiệp cần ít lại được cấp nhiều tần số, trong khi doanh nghiệp cần nhiều lại không có, gây lãng phí tài nguyên.

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,16% tổng số đại biểu.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) với 424/437 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,14% tổng số đại biểu Quốc hội.

Vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí quy định tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) chưa thật cụ thể, dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường. Tôi đề nghị bổ sung quy định cụ thể vào dự thảo Luật về việc kiểm tra, giám sát hợp đồng dầu khí và các hoạt động dầu khí; các quy định này giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì hầu như các mỏ đều nằm ở ngoài biển xa và muốn tới đó kiểm tra, khảo sát tình hình sinh thái, môi trường biển quanh mỏ rất khó khăn.

Đại biểu NGUYỄN VĂN AN (Thái Bình)

Luật Dầu khí (sửa đổi) có đối tượng, phạm vi điều chỉnh không rộng như các luật thông thường khác nhưng là luật có nội dung chuyên sâu, phức tạp, có những đặc thù về kỹ thuật chuyên ngành, gắn với hợp tác quốc tế; đồng thời có yếu tố ảnh hưởng không chỉ về kinh tế, tài chính, ngân sách mà còn ảnh hưởng lớn đến chính trị, xã hội, quốc phòng-an ninh,  chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hạn chế những vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu LÊ MINH NAM (Hậu Giang)