Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, Ðồng bằng sông Cửu Long là phần cuối lưu vực sông Mê Công với tổng diện tích 39.400 km2, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng khoảng 18 triệu người, trong đó, 75% người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tại khu vực này, có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra, gồm: Hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên. Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, nhất là những cộng đồng nông thôn phụ thuộc lớn vào sản xuất nông nghiệp.
Mùa khô năm 2023-2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189 ha lúa giảm năng suất, 43 ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Toàn vùng có 2.059 điểm sụt lún (tương đương 51 km chiều dài đê, đường giao thông nông thôn); 686 vị trí sạt lở bờ sông (chiều dài 591,3 km) và 57 vị trí sạt lở bờ biển (chiều dài 203,2 km). Toàn vùng hiện có 15 hệ thống thủy lợi (7 liên tỉnh và 8 nội tỉnh) phục vụ 2,5 triệu ha sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, mùa khô năm 2024, toàn tỉnh xuất hiện 730 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 19 km, có 83 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 2,2 km; còn khoảng 84 km bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm…
Hiện nay, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm ki-lô-mét bờ sông, bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở, hoặc có nguy cơ sạt lở, nhưng do thiếu vốn cho nên chưa được bố trí đầu tư.
Còn theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển khiến 126 căn nhà bị thiệt hại, 292 căn bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển khoảng 3.660m.
Nguyên nhân sạt lở bờ biển được xác định do mưa và ảnh hưởng bão, kết hợp thủy triều dâng cao, gió mạnh, sóng lớn khiến sóng biển dâng cao tác động trực tiếp vào đê. Rừng phòng hộ bờ biển trước đoạn đê này mất hoàn toàn cho nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê, gây ra sạt lở. Ngoài ra, những năm gần đây, vào mùa mưa kết hợp triều cường thì toàn bộ diện tích vùng sản xuất lúa (vùng ngọt ổn định) thường xuyên bị ngập, ảnh hưởng đến sản xuất lúa của người dân…
Nhiều chuyên gia nhận định, bờ sông, bờ biển vùng Ðồng bằng sông Cửu Long hiện đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Ðể bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó, có các giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phi công trình, quy hoạch lại khu dân cư dọc theo tuyến bờ sông, bờ biển bị sạt lở trên cơ sở so sánh chi phí di dời và xây dựng công trình để quyết định cho phù hợp.
Ðối với xử lý sạt lở bờ sông, cần thiết lập quy hoạch chỉnh trị tổng thể các sông lớn, sông, rạch chính để bảo đảm hiệu quả tổng hợp các ngành kinh tế có liên quan. Ðối với các giải pháp công trình cứng và giải pháp nuôi bãi, cần có những dự án nghiên cứu thử nghiệm để quan trắc theo dõi và đánh giá hiệu quả…
Ông Lê Thanh Chương (Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam) cho biết, việc hoàn chỉnh và thực thi khung pháp lý về quản lý bờ sông, bờ biển, cụ thể là việc thiết lập và thực thi hành lang bảo vệ bờ, trong đó quy định khoảng lùi hợp lý trong việc xây dựng công trình hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất là rất quan trọng. Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên hàng đầu, vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo ra đa dạng sinh học cho khu vực ven biển, đồng thời mang lại sinh kế cho người dân địa phương.
Xói lở lòng dẫn sông, sạt lở bờ biển là quá trình diễn biến phức tạp, luôn thay đổi theo cả không gian và thời gian. Ðồng bằng sông Cửu Long là vùng dễ bị tổn thương trước những tác động của tự nhiên và con người, vì vậy, để có giải pháp xử lý, ứng phó kịp thời thì công tác quan trắc, giám sát diễn biến quá trình xói bồi phải được thực hiện định kỳ hằng năm.