“Chương trình tọa đàm “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu” được thực hiện với mong muốn chung tay bảo vệ sức khỏe cho lực lượng nhân viên y tế, y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là lực lượng từ miền bắc, miền trung chi viện cho miền nam. Đồng thời, nhằm chia sẻ thông tin, đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch.
Áp lực nặng nề
Trong gần ba tháng qua, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền nam trải qua những thời khắc khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Số ca mắc và tử vong tăng cao so với các đợt dịch bùng phát trước đó, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.
Đã có hơn 10 nghìn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tại miền bắc và miền trung, trong đó có hơn 6.000 y, bác sĩ tuyến Trung ương đã lên đường chi viện cho miền nam. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, chịu áp lực lớn cả về vật chất và tinh thần.
Từ đầu cầu TP Hồ Chí Minh, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay, với hơn 300 nghìn ca nhiễm. Trong một ngày xấp xỉ chín nghìn ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... Những ngày qua thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, xúc động chia sẻ: Áp lực đè nặng lên y, bác sĩ và đặc biệt khi có đồng nghiệp hy sinh. Trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn, hầu hết là bác sĩ chi viện từ miền bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong nam. Bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sĩ phải nằm dài trực tiếp tại khu vực trực. Đến ngày 9/8, đã có 2.380 cán bộ y tế dương tính.
Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Phụ trách Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết: Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như vậy. Áp lực về mặt tâm lý, ba ca bốn kíp, mỗi ca tám tiếng, ca đêm 10 tiếng, phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ liên tục, rà soát từng khâu, quần áo bảo hộ cấp bốn. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ho thẳng vào mặt trong quá trình khám chữa bệnh.
Đã có những hy sinh
Chia sẻ về quy trình khám chữa bệnh để bảo đảm an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: Trong thời điểm này, vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là rất quan trọng. Ngay khi các bệnh viện dã chiến được thiết lập phải tính toán đến việc bảo đảm khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình một chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh có số lượng ca nhiễm rất lớn, thành phố đã phải sử dụng chung cư để thu dung bệnh nhân nên chưa hoàn toàn bảo đảm được việc phân khu, cách ly đúng quy trình.
Số lượng cán bộ nhân y tế cũng rất thiếu. Nếu có đủ lực lượng, giảm thời gian tiếp cận F0 sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm. Việc nhân viên y tế mệt mỏi làm việc lâu cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Chúng tôi rất mong muốn được tăng cường hỗ trợ số lượng nhân viên y tế.
Báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, có gần 900 trường hợp cán bộ y tế bị lây nhiễm trong quá trình làm việc, một số nhóm lây nhiễm từ gia đình, không tránh khỏi rủi ro.
Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng rất quan trọng. Chiến lược ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu đã phát huy hiệu quả. Người tiêm hai liều vẫn có thể nhiễm nhưng nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong thấp. Gần đây đã có trường hợp ở Bình Dương, hai trường hợp ở TP Hồ Chí Minh tử vong. Dù rất đau lòng nhưng so với tỷ lệ chung là thấp. Chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho người nhà, người thân nhân viên y tế giúp họ yên tâm công tác.
Về chế độ chính sách với cán bộ, nhân viên y tế, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết thêm: Công đoàn Y tế Việt Nam đã có rất nhiều kiến nghị bảo đảm chế độ chính sách cho các y, bác sĩ. Ngoài ra, đã đề nghị tiêm vaccine cho thân nhân cán bộ, nhân viên y tế. Những đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Đó là hỗ trợ dinh dưỡng một triệu đồng/người; Công đoàn Y tế trích hai triệu đồng cho mỗi cán bộ đi tăng cường; đang triển khai 20 nghìn thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ trưởng tặng bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch.
Công đoàn Y tế cũng đề nghị thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là hai tháng/đoàn để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em. Để giảm stress cho nhân viên y tế tuyến đầu, chúng tôi cũng đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố lập các trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế, giao cho các bệnh viện Trung ương là đầu mối để tham mưu.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Trong công tác phòng, chống Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Về chính sách hỗ trợ, chúng tôi đã hỗ trợ thêm các bữa ăn cho y, bác sĩ, dự kiến 20 ngày, mức một triệu đồng/người. Đồng thời đồng ý để Công đoàn Y tế hỗ trợ thêm các y, bác sĩ tuyến đầu mỗi người hai triệu. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tới thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu. Có thể nói, Công đoàn đang góp sức rất lớn trong việc bảo vệ đoàn viên y tế, những người đang ngày đêm giành giật sự sống cho nhân dân.
Kiến nghị, đề xuất
Đề xuất những giải pháp để bảo vệ các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Khi lên đường, các y, bác sĩ đều đi với một tâm lý tình nguyện, không đặt nặng vấn đề hỗ trợ. Tất cả chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau để được trở về với gia đình. Tuy nhiên, thực tế các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế còn thiếu. Rất nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã hỗ trợ, gửi tặng cho lực lượng y tế nhưng thực tế có rất nhiều trang thiết bị không bảo đảm. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách khẩu trang đủ điều kiện sử dụng nhưng mạnh thường quân, thậm chí cả những nhân viên y tế mới nhiều khi vẫn mua và sử dụng nhầm các thiết bị nhái, rất khó để phân biệt.
Theo tôi phải có chính sách kiểm soát trang thiết bị bảo hộ, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Đây là mối đe dọa rất nguy hiểm đối với lực lượng tuyến đầu.
Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho rằng: Chúng ta có thể có chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế. Phải có chính sách để bảo toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía nam. Thời gian tới, cần đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Y tế dự phòng và hồi sức cấp cứu cần được đẩy mạnh và phát triển.
Cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để những bệnh nhân F0 thể nhẹ có thể chăm sóc nhau, chia sẻ, tư vấn tâm lý, không gây nhiễu loạn cho nhân viên y tế để lực lượng này tập trung chữa trị cho những bệnh nhân nặng hơn. Tôi kiến nghị với Công đoàn Y tế Việt Nam, gắn trung tâm hồi sức cấp cứu với địa bàn kinh tế của địa phương để phối hợp hiệu quả hơn trong công tác chống dịch.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho biết: Các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế cần phải được kiểm soát và trang bị đầy đủ. Quy trình chăm sóc bệnh nhân cũng cần bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, giảm bớt khối lượng công việc. F0 chăm sóc F0 là một ý kiến, đề xuất hay và thiết thực trong thời điểm này. Bữa ăn của các y, bác sĩ đến thời điểm này đã tương đối ổn.
Thời gian tới, việc đào tạo chuyên ngành hồi sức cấp cứu và y tế dự phòng cần được quan tâm và đầu tư hơn nữa. Điều quan trọng nhất lúc này là chăm sóc tinh thần của lực lượng cán bộ y tế. Chúng tôi gửi lời đến cán bộ y tế rằng công đoàn sẽ luôn là hậu phương vững chắc, đồng hành cùng các y, bác sĩ nơi tuyến đầu.