Bảo vật quốc gia chùa Đọi bị xâm phạm ngay trước lễ công nhận

NDO -

NDĐT- Ngay trước ngày lễ trọng tôn vinh di sản, tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, bảo vật quốc gia ở chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) bị xâm phạm một cách hết sức… ngớ ngẩn và hăng hái!

Hàng chữ theo lối phi bạch của vua Lý Nhân Tông trên trán bia Sùng Thiện Diên Linh, bảo vật quốc gia, bị cào xước.
Hàng chữ theo lối phi bạch của vua Lý Nhân Tông trên trán bia Sùng Thiện Diên Linh, bảo vật quốc gia, bị cào xước.

Lễ hội chùa Long Đọi Sơn tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam sẽ diễn ra sáng 18-4. Năm nay, điểm nhấn của lễ hội là việc công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia bia Sùng Thiện Diên Linh, cùng với 36 bảo vật khác, theo quyết định 2599/QĐ-TTg ngày 30-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng thật đau xót khi ngay trước ngày lễ trọng này, chính tấm bia bảo vật quốc gia lại bị xâm phạm một cách hết sức… ngớ ngẩn và hăng hái! Người viết những dòng này được chứng kiến tấm bia trong tình trạng xây xước thậm tệ! Mặt đá với những hàng chữ bị cào, miết chằng chịt bằng vật cứng, trông thật thảm!

Bảo vật quốc gia chùa Đọi bị xâm phạm ngay trước lễ công nhận ảnh 1

Chữ trong lòng bia cũng không thoát “thảm trạng”.

Hỏi một số người bán hàng quán trong khu vực, chúng tôi “té ngửa” khi biết, Phòng VHTT huyện Duy Tiên, để làm vệ sinh bia cho “sạch bong kin kít”, kịp đón danh hiệu bảo vật quốc gia, đã thuê một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt… “kỳ cọ”, “đánh”, “quệt”… một cách kỹ càng và “mẫn cán”! Vậy là hành động tưởng chừng tôn trọng văn hóa lại trở thành phá hoại, phản văn hóa và hậu quả đã ở mức độ không thể phục hồi. Trên trán tấm bia, hai dòng chữ do chính vua Lý Nhân Tông ngự bút theo lối phi bạch bị cào khiến chữ bị mòn, chìm đi giữa những vệt xước. Chữ trong lòng văn bia, cùng những diềm hoa văn duyên dáng vốn đã bị mòn, mờ theo thời gian, nay trông lại càng nham nhở đến “bàng bạc, tê dại”. Và không chỉ tấm bia bảo vật này, mà một số bia khác có niên đại khác nhau tại chùa Long Đọi Sơn cũng… chịu chung số phận.

Bảo vật quốc gia chùa Đọi bị xâm phạm ngay trước lễ công nhận ảnh 2

Một tấm bia thời Lê cũng chịu chung số phận.

Văn bia Sùng Thiện Diên Linh (Văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi) là một tấm bia cổ thời Lý còn lại đến nay. Bia dựng ngày mồng 6 tháng Bảy năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (20-8-1121), nhân dịp khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh, trên núi Long Đọi (Hà Nam ngày nay). Bài văn bia do Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn và Thượng thư Lý Bảo Cung viết chữ, được khắc ở mặt trước của bia, gồm 55 dòng, dài 4.500 chữ. Bia hiện dựng trong nhà bia, trước chùa Long Đọi, núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Bia cao 2,65m, rộng 1,69m, dày 0,29m, đặt trên một bệ lớn là phối thể giữa hình tượng song long hiến châu với mai rùa đá (bí hí). Diềm bia trang trí hình hoa lá, chim muông. Trán bia ghi “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi”, do đích thân vua Lý Nhân Tông ngự đề bằng lối chữ “phi bạch”. Hai bên phải và trái ô tên bia có hai hình rồng chầu vào… Tấm bia này giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, bởi lẽ đây là tấm bia quan phương của triều đình, tổng kết lại phần lớn công đức dựng chùa, lập pháp, tôn sùng đạo Phật, cũng như công nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chợt nhớ tới những tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khi được công nhận danh hiệu di sản tư liệu trong chương trình “Ký ức thế giới”, nhiều ý kiến chuyên gia đã khuyến cáo cần bảo vệ để tránh sự va chạm, tác động của con người như sờ, xoa, miết gây mòn, gây bóng lên mặt bia, lên đầu linh vật đội bia. Việc bảo vệ những tấm bia này sau đó đã được tiến hành thường xuyên.

Vậy mà, ở đây, không ngờ quan niệm, cách nhìn nhận của một số người đối với di sản có giá trị và ý nghĩa đặc biệt trong ngôi chùa gần nghìn năm tuổi lại ấu trĩ đến vậy!