Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới

NDO - Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã ban hành Quyết định số 2506/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trang phục phụ nữ dân tộc Khơ Mú. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Trang phục phụ nữ dân tộc Khơ Mú. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Bộ giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch, việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ triển khai các nội dung cụ thể, gồm: Khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo (xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), những kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung Kế hoạch.

Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng mô hình; Tổ chức thực hành mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú.

Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động tuyên truyền, quảng bá như sản xuất phim tài liệu phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú; Thông tin, tuyên truyền rộng rãi mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần nâng cao năng lực, ý thức tự bảo tồn, gìn giữ và phát huy các mô hình bảo tồn giá trị bộ trang phục truyền thống. Đồng thời khuyến khích đồng bào dân tộc Khơ Mú tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn trang phục nói riêng và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống nói chung.

Chương trình này cũng phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Khơ Mú trong việc nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương theo hướng bền vững.