(Tiếp theo và hết)
Kỳ 2: Câu chuyện về định canh định cư và bảo tồn văn hóa
1/Ông kể: “Tôi từng nói với đồng bào nhiều lần rằng bản thân tôi được đi nhiều nơi, thấy tận mắt vùng nào người dân quần tụ bên nhau thì vùng đó phát triển. Chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với việc định canh, định cư là rất đúng đắn và đồng bào ta nhất quyết phải làm được”.
Một trong những nguyên nhân, trở ngại chính là ám ảnh của người dân về “thực dân, phong kiến” từ trước Cách mạng Tháng Tám. Thói quen sống biệt lập trên những mỏm núi, đồi cao, cộng thêm cuộc sống bị nô dịch, áp bức ngày trước đã thành “hòn đá tảng” trong tư tưởng nhiều người. Không ít người từng nói thẳng: Liệu rằng chính quyền mới có giống như bọn phìa, tạo, thống lý khi xưa? Nhắc đến chuyện này, ông Vì Văn Sang cũng bật cười. Ông kể: Tôi nói với đồng bào rằng tôi cũng là người Khơ Mú đây, tôi từng là bộ đội, được nghe Bác Hồ đã dạy rằng việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, khó mấy thì cũng phải cố gắng, mọi người không tin tôi thì phải tin Bác Hồ chứ! Có lần tôi đến khu vực 17 hộ dân Khơ Mú sinh sống và gặp ông Mè Văn Nhi một người có uy tín ở đó. Lúc đầu, ông Nhi kiên quyết không chịu đi rồi còn xúi bẩy các hộ dân không nghe lời cán bộ. Tôi vừa phân tích thiệt hơn vừa động viên. Nhân lúc ông Nhi thái độ còn đang lừng khừng, tôi liền tham mưu cho chính quyền xã sử dụng lực lượng dân quân nhanh chóng giúp dân chuyển nhà. Về Nậm Tộc, cuộc sống tốt hơn các hộ dân mới nói lời cảm ơn mãi. Sau lần thành công đó nhiều hộ dân cũng rủ nhau về, có người còn đề nghị chính quyền xã giúp đỡ.
Đến khi khu định cư mới đông lên lại phát sinh khó khăn mới đó là nguồn nước. Nhiều hộ phải đi bộ vài km lấy nước. Ngay đến muốn đi tắm thì cũng phải chuẩn bị cơm đi núi nửa buổi mới đến được khe nước và tắm... Đảng ủy xã xác định nếu không giải quyết vấn đề nước, chắc chắn đồng bào sẽ lại bỏ thôn lên rừng. Vậy là việc tìm nước lại được giao cho Vì Văn Sang. Ông lại lặn lội trong rừng nhiều ngày cuối cùng tìm được một khe nước lớn sâu phía trong đỉnh núi Phú Lương cách thôn Nậm Tộc khoảng 5km. Tìm được nước đã khó nhưng đưa nước về càng khó hơn bởi khoảng cách xa và đá núi. Ông đã lên huyện rồi đến cả Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đề nghị hỗ trợ. Ngày nước về thôn, nhìn người già, trẻ nhỏ hò reo, nô đùa bên dòng nước mát lành, ông Sang như cất bỏ được viên đá đè nặng trên ngực bấy lâu.
2/Bên chén chè thơm ngát, tôi ngước nhìn căn nhà khang trang của ông Sang, bên cạnh những vật dụng gia đình, căn nhà còn có thêm các dụng cụ âm nhạc lạ mắt được treo ở các cột nhà. Tôi chia sẻ với ông Sang những xúc cảm khi được nghe lời bài hát tơm khi nãy. Ông Vì Văn Sang cười rất vui rồi mời chúng tôi đến Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đây là nơi lưu giữ các dụng cụ phục vụ lễ, hội và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào Khơ Mú xã Nghĩa Sơn. Trong phòng có lưu trữ nhiều tư liệu, hiện vật tiêu biểu cho văn hóa tâm linh, tín ngưỡng vật dân tộc Khơ Mú, những pho truyện cổ, văn bản thực hành nghi lễ, lễ hội. Một góc khác bày nhiều loại nhạc cụ, có loại chế từ thân cây nứa như sáo, đàn ống, khèn bè; có loại bằng kim loại như pí tót, pí lang, cồng chiêng, kèn môi...
Ông Vì Văn Sang tâm sự: Ngày nay cuộc sống vật chất của người dân đã đầy đủ, thì ta phải hướng tới nâng cao đời sống tinh thần. Đảng đã dạy ta phải biết giữ gìn và phát huy bản sắc. Người Khơ Mú càng nên phải giữ, tránh hòa tan vào văn hóa ngoại lai. Từ suy nghĩ đó mà người đảng viên 54 năm tuổi đảng này đã tự học, tự trau dồi kiến thức để trở thành nghệ nhân, có thể thực hành các nghi lễ, phong tục, tập quán. Nhiều lễ tưởng như đã thất truyền như: Lễ hội cầu mưa, cầu mùa, đón mẹ lúa. Bên cạnh đó là việc chế tác nhạc cụ, phục dựng các điệu múa dân tộc, sưu tầm những làn điệu hát tơm, kơ le, cưn trong hoạt động giao duyên, tìm bạn tình, thể hiện lòng mến khách đến chơi nhà, mừng đám cưới, mừng xuân, mừng nhà mới...
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn, Lường Văn Si kể thêm rằng: Người dân rất biết ơn nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn Vì Văn Sang, nhờ bác Sang mà đời sống người dân ở nhiều thôn, bản mới được như hôm nay. Điển hình như việc bê-tông hóa đường liên thôn, liên xã, xây dựng mương dẫn nước đều in đậm công sức của bác Sang. Trong thời gian còn công tác, bác Sang đã giúp xã xây dựng đường điện, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND và các đoàn thể. Đến bây giờ, người dân vẫn yêu mến gọi bác là “ông bí thư”.
Khi được hỏi về động lực để làm những công việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình dù tuổi đã cao, sức đã mỏi, nghệ nhân Vì Văn Sang tâm sự: Tôi học theo Bác Hồ. Chính Bác đã dạy phải chú ý phát huy cốt cách dân tộc. Rồi ngay chính người Khơ Mú cũng có câu nói: Mất phong tục tập quán là mất hết. Nên tôi tự mình phải nỗ lực mỗi ngày. Suốt 20 năm qua, ông đã cần mẫn rong ruổi đến các bản, làng gặp các già làng, thầy mo, thầy cúng sưu tầm, bổ sung thêm phong phú vốn văn hóa truyền thống... Kết hợp với các nhạc cụ và kỹ thuật múa của người Khơ Mú, phục dựng được các lễ hội cầu mưa, cầu mùa, tôn vinh thần lúa, thần mộc nhớ những người xa xưa đã làm ra hạt thóc, hạt gạo, đón mẹ lúa, tạ ơn trời đất, thần linh ma nhà đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... Cái khó của lễ, đó là các thành viên phải có độ mềm dẻo và có tâm hồn nhạy cảm linh hoạt, để kết hợp nhuần nhuyễn động tác múa với âm nhạc nhằm vừa tôn vinh vẻ đẹp tinh túy của những bộ trang phục truyền thống, vừa đem lại sự cảm thụ về cái đẹp cho người xem. Nghệ nhân Vì Văn Sang bày tỏ: Để giữ gìn được truyền thống văn hóa, ngoài tâm huyết cũng rất cần sự chung tay, góp sức, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong xây dựng thiết chế văn hóa, tạo không gian để người dân thực hành văn hóa. Tôi mong rằng, Nậm Tộc nói riêng hay Nghĩa Sơn nói chung được hỗ trợ xây dựng một nhà văn hóa rộng rãi vừa để bảo quản, trưng bày tốt hơn những đạo cụ vật chất, vừa đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Khơ Mú; hay hỗ trợ kinh phí để chúng tôi có thể phục dựng các lễ, hội... để bản sắc truyền thống văn hóa của đồng bào Khơ Mú ngày càng được giữ gìn, phát triển và góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn Trịnh Xuân Thành đánh giá: “Gần 20 năm miệt mài, ông Sang đã khôi phục gần như toàn bộ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú Nghĩa Sơn. Đồng thời, hiện nay ông Sang là người truyền lửa, khơi dòng chảy cho văn hóa Khơ Mú hòa vào dòng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Không chỉ giúp đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn thoát khỏi cuộc sống du canh du cư, xóa đói nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng bản làng no ấm mà nghệ nhân Vì Văn Sang còn có công sưu tầm, bảo tồn các loại nhạc cụ, các điệu múa dân gian như: lễ hội cầu mùa, cầu mưa, lễ mừng cơm mới… tạo dựng lại 10/13 loại nhạc cụ truyền thống, nhiều câu châm ngôn, ca dao tục ngữ của dân tộc Khơ Mú. Năm 2015, ông Vì Văn Sang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và trở thành một trong 3 nghệ nhân Khơ Mú tiêu biểu của vùng Tây Bắc”. Di sản văn hóa truyền thống là tài sản vô giá, là sợi dây thiêng liêng gắn kết cộng đồng và là cơ sở để người dân sáng tạo, hưởng thụ những giá trị văn hóa trong thời đại mới, tất cả đang tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ nhờ tấm lòng trong sáng của người đảng viên kỳ cựu Vì Văn Sang.
“Ông bí thư” say mê giữ gìn di sản văn hóa dân tộc Khơ Mú (kỳ 1)