1. Nguồn gốc lịch sử:
Về nguồn gốc tộc người Khơ Mú ở Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại một số quan điểm khác nhau. Cho đến nay, phần lớn các nhà khoa học đều khẳng định người Khơ-mú là cư dân tại chỗ ở bán đảo Đông Dương, cư trú tập trung ở Bắc Lào với điểm quy tụ đông nhất là Luang Prabang và đã hình thành vương quốc có tên là Swa hay Lawa. Sau khi người Lào di cư xuống cùng với các cuộc viễn chinh và người từ Vân Nam (Trung Quốc) tràn xuống đã buộc người Khơ Mú phải di cư sang Thái Lan và Tây Bắc Việt Nam.
Một số ý kiến khác cho rằng người Khơ Mú là cư dân tại chỗ tại vùng Tây Bắc (Việt Nam), dựa trên câu chuyện dân gian của người Khơ Mú và người Thái về nguồn gốc loài người sinh ra từ quả bầu.
Tên tự gọi: Kmụ, Kưm Mụ với nghĩa là “người” hay “cộng đồng người”
Tên gọi khác: Xá Cẩu, Khạ Klẩu, Mãng Cẩu, Tày Hạy, Mứn Xen, Pu Thềnh, Tềnh.
2. Dân số:
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/201990, dân tộc Khơ-mú có 90.612 người, trong đó số nam giới là 45.494 người, nữ giới là 45.118 người, 97% dân số sống tại nông thôn.
Cách tra hạt của người Khơ Mú ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên (Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) |
3. Phân bố địa lý:
Ở các tỉnh dọc biên giới Việt - Lào như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
4. Ngôn ngữ:
Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Nhiều người biết đọc, viết chữ Thái.
Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/ 2019: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 65,8%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 100,6%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 79,2%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 26,2%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 22,8%.
5. Đặc điểm chính:
Ăn: Người Khơ Mú thường đồ xôi hay đồ ngô, độn sắn. Họ thích ăn những món có vị cay, chua, đắng, các thức ăn nướng có mùi như chẻo, nậm pịa, cá chua...
Trang phục: Người Khơ Mú mặc giống người Thái, nhưng có điều khác là cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo của phụ nữ.
Nhà ở: Nhà sàn chủ yếu dùng cột không ngoãm, vách phên, sàn bương. Hiện nay nhiều nơi đã làm nhà khang trang, vững chãi hơn.
Quan hệ xã hội: Người Khơ Mú quan hệ chặt chẽ giữa những người đồng tộc và những người láng giềng, nhất là người Thái.
Mỗi bản gồm nhiều gia đình thuộc các dòng họ khác nhau. Mỗi họ có trưởng họ. Người dân bản trong bản đã có phân hoá giàu nghèo. Những dòng họ người Khơ Mú đều mang tên thú, chim, cây cỏ... có thể chia làm 3 nhóm tên họ.Ngoài ra còn một số họ mang tên vật vô tri như: rọ lợn, môi múc canh...
Cưới xin: Hôn nhân theo nguyên tắc thuận chiếu, đặc biệt trong phạm vi một dòng họ. Trong hôn nhân, nhiều tàn dư mẫu hệ còn tồn tại như tục ở rể, chồng mang họ vợ, hôn nhân anh em vợ, chị em chồng... Trai gái được tự do tìm hiểu nhưng quyền quyết định do bố mẹ, đặc biệt là ông cậu.
Ma chay: Ðám ma của người Khơ Mú gồm nhiều nghi thức tín ngưỡng. Ðặc biệt bài cúng tiễn hồn người chết kéo dài hàng giờ sau đó mới đem thi hài đi chôn.
Tết Gơ rơ của dân tộc Khơ Mú ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An diễn ra vào dịp cuối năm (Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) |
Nhà mới: Lên nhà mới là dịp vui của gia đình và cả bản. Chủ nhà thường mổ lợn thiết đãi bà con xóm giềng. Ðây là dịp dân bản trình diễn các sinh hoạt văn nghệ có tính cộng đồng.
Lễ Tết: Ngoài tết Nguyên đán ra, người Khơ Mú còn ăn tết cơm mới. Tết được tổ chức sau vụ gặt tháng 10 âm lịch.
Thờ cúng: Người Khơ Mú quan niệm có 5 loại ma quan trọng nhất là: ma trời, ma đất, ma thuồng luồng, ma tổ tiên và ma nhà. Ðó là các loại ma mang điều lành cho con người nhưng đôi khi giận dữ có thể gây tai hoạ trừng phạt con người. Ngoài lễ cúng mường, người Khơ Mú còn lễ cúng bản, đặc biệt là lễ cúng ma nhà trong các dịp tết và khi con cháu trong nhà đau ốm. Bàn thờ ma nhà đặt trên gác bếp, còn ông bà thờ ở một gian riêng kín đáo và rất kiêng kỵ đối với người ngoài. Mỗi dòng họ vẫn duy trì tục thờ ma dòng họ với nghi thức và các động tác mang tính đặc trưng riêng.
Lịch: Người Khơ Mú phổ biến cách tính ngày giờ căn cứ theo bảng cà la để vận dụng trong việc dựng nhà, cưới gả...
Văn nghệ: Làn điệu dân ca quen thuộc nhiều người ưa thích là Tơm. Người Khơ Mú thích xoè, múa, thổi các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo, đặc biệt là thổi kèn môi.
Xôi là món ăn chính của người Khơ Mú. Trong ảnh: Chuẩn bị gạo để thổi xôi (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
6. Điều kiện kinh tế:
Người Khơ Mú là cư dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy nên được gọi là "Xá ăn lửa". Hiện nay hầu hết người Khơ Mú đã định canh định cư. Cây trồng ngoài lúa ngô ra còn có bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng. Một số nơi biết thêm nghề rèn, mộc, dệt vải. Kể từ khi thực hiện việc chuyển đổi cây trồng và mở rộng diện tích canh tác, không ít hộ gia đình đã thoát được cảnh nghèo đói, đời sống kinh tế ổn định.
Dân tộc Khơ Mú có: Tỷ lệ hộ nghèo là 51,6%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 13,4%. Tỷ lệ thất nghiệp: 1,04%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 3,1%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 8,3%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 1,1%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 0,05%.
● Français: L’ethnie Khơ Mú
● English: Kho Mu ethnic minority group