Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 vừa kết thúc tốt đẹp. Năm nay, nhiều đơn vị đã tạo ấn tượng cho khán giả và ban giám khảo khi đầu tư nhiều hơn vào các tiết mục dân gian. Trong đó, không ít đơn vị mang đến liên hoan những tiết mục múa dân gian của các dân tộc ở vùng Nam Bộ như Chăm, Khmer, Hoa… góp phần tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho liên hoan và bảo tồn, phát huy giá trị múa dân gian các dân tộc trong đời sống hôm nay.
Hiện tại, các cơ quan chức năng rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc trên địa bàn thành phố, trong đó có múa dân gian. Nhiều chương trình nghệ thuật đã dàn dựng các tiết mục múa dân gian, dân tộc khá công phu, mang giá trị nghệ thuật cao.
Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Nguyên Hiều cho biết, tại Liên hoan nghệ thuật Múa lần thứ bảy tới đây, các tác phẩm múa dân gian, dân tộc chiếm phần lớn các tác phẩm dự thi. Đây là điểm đáng mừng trong bối cảnh thành phố đang xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Theo bà Chu Phạm Minh Hằng, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, múa dân gian của các dân tộc vùng Nam Bộ luôn gắn bó với đời sống văn hóa, sinh hoạt hằng ngày của người dân, được thể hiện trong các nghi lễ, các sinh hoạt cộng đồng và đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa. Múa dân gian của cộng đồng cư dân vùng Nam Bộ chứa đựng những giá trị to lớn về văn hóa, nghệ thuật và khoa học, vì vậy, việc sưu tầm, hệ thống hóa để có những cách thức bảo tồn và phát huy giá trị múa dân gian các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer, Hoa là điều hết sức cần thiết, nhất là dưới tác động của nhiều yếu tố khiến một số động tác múa đã bị thay đổi.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này vẫn còn nhiều khó khăn. Trong các lễ hội, các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn hay sự kiện, tuyên truyền hiện nay không khó để thấy các tiết mục múa dân gian. Hình tượng nón lá, áo dài, áo bà ba, áo tứ thân… của dân tộc Kinh chiếm phần lớn. Điều này cho thấy vai trò của loại hình nghệ thuật múa dân tộc cũng có vị trí, nhưng chủ yếu là theo hình thức múa không chuyên, múa minh họa cho các ca sĩ, trong khi các tiết mục múa độc lập khá ít. Một số đoàn nghệ thuật cũng đã chọn lọc và đầu tư cho con người của họ được tiếp cận với từng lớp đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, nhưng sau kết thúc khóa học, họ trở về địa phương lại không có đất để dụng võ.
Nhà giáo Ưu tú Đoàn Phúc Linh Tâm (Trưởng khoa múa Dân gian dân tộc, Trường trung cấp múa Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, việc đưa chất liệu múa của một số dân tộc Kinh, Khmer, Chăm… vào công tác đào tạo vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Hiện, với diễn viên múa, các em đào tạo dài hạn sẽ được học chất liệu múa dân gian Việt Nam vào năm thứ nhất xuyên suốt đến năm thứ tư, tuy nhiên, có những phần động tác thì chỉ học năm đầu và đến năm thứ tư mới quay lại tập luyện để làm chương trình tốt nghiệp. Trong khi đó, chất liệu múa dân gian Chăm, Khmer năm thứ tư mới học dẫn đến tình trạng chất lượng động tác chưa rõ được phong cách của dân tộc đó.
Cũng theo Nhà giáo Ưu tú Đoàn Phúc Linh Tâm, đội ngũ giáo viên chuyên giảng dạy chất liệu múa dân gian Việt, Chăm, Khmer Nam Bộ hiện đang thiếu hụt những chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đào tạo, lý luận, sáng tác, đạo diễn, biên đạo… Số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật hiện nay có tỷ lệ gần như thấp nhất so với các lĩnh vực khác. Sự thiếu hụt này càng gia tăng khi có rất ít chuyên gia đầu ngành tham gia đào tạo, lĩnh vực nhiều gian truân mà thu nhập lại thấp, gây khủng hoảng đội ngũ kế cận trong một thời gian dài.
Theo ông Lê Nguyên Hiều, muốn bảo tồn và phát huy giá trị múa dân gian các dân tộc Việt Nam nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng, trước hết phải nhận thức được công việc này đang thật sự có những khó khăn cả về nguồn lực, về con người. Đảng, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể, tích cực trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị múa dân gian các dân tộc nói riêng. Chúng ta cần tạo ra môi trường, mối liên kết để từng người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội có thể tham gia công tác này.
Bà Chu Phạm Minh Hằng cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị múa dân gian vùng Nam Bộ, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tốt hơn đối với nghệ nhân, diễn viên và người truyền dạy. Bên cạnh đó, cần xác định công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị múa dân gian các dân tộc vùng Nam Bộ trong cộng đồng là rất quan trọng, nhất là đối với giới trẻ. Khi những điệu múa dân gian của các dân tộc “sống” được và phổ biến trong giới trẻ, khi đó giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này mới được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả, bền vững…