Bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer

Nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer hội tụ tri thức sáng tạo, bản sắc và các giá trị văn hóa, xã hội, thẩm mỹ của cộng đồng. Đây là nét đẹp văn hóa, là món ăn tinh thần trong đời sống hằng ngày của đồng bào Khmer Nam Bộ, nhất là vào các dịp lễ hội, ngày Tết truyền thống…
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc Khmer sử dụng nhạc cụ truyền thống tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch dân tộc Khmer của tỉnh Kiên Giang.
Đồng bào dân tộc Khmer sử dụng nhạc cụ truyền thống tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch dân tộc Khmer của tỉnh Kiên Giang.

Đam mê văn hóa dân tộc, ông Danh Bê (68 tuổi) ở ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã tập hợp hơn 20 người là anh em, con cháu có năng khiếu và yêu thích múa, hát nhạc Khmer thành lập đội văn nghệ của ấp. Ông tận tình truyền dạy cho con cháu nghệ thuật hát dù kê, hướng dẫn cho các cô gái từng động tác của những điệu múa truyền thống như Sa-ri-ka-keo, Sa-vông… Ông Danh Bê thường chọn những vở kịch, những tích truyện dù kê có giá trị nghệ thuật như: Tấm Cám, Tam Tạng thỉnh kinh, Thạch Sanh chém chằn,… để phân vai cho người diễn.

Hàng chục năm qua, Đội văn nghệ Khmer ấp Hòa Thiện là nòng cốt cho phong trào văn hóa văn nghệ của xã, nhất là những dịp Tết Chôl-Chnăm-Thmây, Lễ hội Ok-om-bok, Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch dân tộc Khmer. Hiện nay, Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê còn nghiên cứu, học hỏi tự làm các loại nhạc cụ, các loại mặt nạ trong sân khấu rô-băm, sáng tác kịch bản các bài múa dân gian truyền thống như: Múa rô-băm, múa áp-sa-ra, múa gáo…

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 15 trong số 76 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả. Nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer ở Kiên Giang có âm nhạc, gồm các dòng nhạc cưới, nhạc lễ, các điệu ru, làn điệu Àday đối đáp; chế tác nhạc cụ truyền thống; múa truyền thống; sân khấu dù kê; sân khấu rô-băm; nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá…

Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng 10 âm lịch, Lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer lại được tổ chức tại “Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh” nằm ở Phường 8, thành phố Trà Vinh và xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer Trà Vinh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Hà Thanh Sơn chia sẻ, nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam Bộ gắn với giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số, người nghèo, phụ nữ và các dự án khởi nghiệp mới, tỉnh đang xây dựng “Làng văn hóa, du lịch Khmer Trà Vinh” bao gồm ao Bà Om; chùa Âng, công trình kiến trúc nghìn năm tuổi; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Trường trung cấp Pali; chùa Lò Gạch, di tích Óc Eo;…

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 111 di sản văn hóa vật thể, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh. Có 10 di tích lịch sử-văn hóa của dân tộc Khmer nằm trong danh sách này. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer mặc dù đã hình thành từ xa xưa vẫn được cộng đồng cư dân địa phương là những chủ thể văn hóa duy trì thực hiện và ngày càng phát triển, trong đó có các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Thắc Côn, lễ hội Phước Biển,…

Lễ hội Ok-om-bok ở tỉnh Sóc Trăng, diễn ra hằng năm có hơn 60 đội ghe Ngo trong và ngoài tỉnh tham gia. Ngoài hoạt động chính là giải đua ghe Ngo và lễ cúng Trăng còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: Hội thi thả đèn nước, hội chợ thương mại, hội thi ẩm thực, liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê, trình diễn trang phục ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa, hội thao dân tộc Khmer, lễ hội đường phố,... Những lễ hội đa dạng, nhiều sắc mầu này không chỉ là dịp quảng bá sâu rộng hình ảnh của Sóc Trăng mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Khmer trong việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tại địa phương này.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết: Công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và của dân tộc Khmer nói riêng luôn được chú trọng. Các di tích lịch sử-văn hóa ở Sóc Trăng sau khi được xếp hạng đều được quản lý và phát huy tốt giá trị; việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích được xã hội hóa rất tốt từ nguồn kinh phí do đồng bào, các vị sư sãi, chức sắc, tín đồ phật tử Khmer và các dân tộc khác quyên góp. Nhà trưng bày văn hóa Khmer mỗi năm phục vụ hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh cũng như khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Qua đó, tiến hành lập hồ sơ khoa học về bốn loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang, gồm: Nghệ thuật múa truyền thống Khmer, Lễ hội Ok-om-bok, Nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer và Văn học dân gian Khmer, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Từ Đội văn nghệ của ấp Hòa Thiện, đến nay, hơn 200 người đã được ông Danh Bê truyền dạy múa, hát. Tin tưởng rằng còn nhiều hơn nữa những con người như ông Danh Bê sẽ góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, để các loại hình nghệ thuật Khmer trường tồn mãi với thời gian.