Để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát then, đàn tính, những năm qua, các cấp, các ngành và bà con các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo. Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Cùng với bộ sóc nhạc, cây đàn tính là nhạc cụ quan trọng trong trình diễn nghi lễ thực hành then; nghi lễ quan trọng gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh, tình cảm của bà con dân tộc Tày, Nùng... xứ Lạng.
Bên cạnh đó, cây đàn tính cũng được sử dụng để đệm những điệu hát then vào nhiều dịp trọng đại của làng, xã như: hội làng, hội lồng tồng… và có mặt trong tất cả những ngày vui như: ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, cầu an…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù xã hội đã nhiều thay đổi nhưng đến nay, loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng... Do đó, hiện nay, việc chế tác đàn tính phục vụ hát then được nhiều nghệ nhân trong tỉnh thực hiện ngày càng lan tỏa.
Nghệ nhân Vi Tơ, người có hơn 40 năm chế tác cây đàn tính, phục vụ cho các đội văn nghệ quần chúng của tỉnh. |
Ông Vi Tơ, nghệ nhân chế tác đàn tính ở thôn Pàn Pè, Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, chia sẻ: Để có những giai điệu then trong trẻo, ấm áp thì cây đàn tính là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Cây đàn tính hay còn gọi là tính tẩu, thường có 2 dây hoặc 3 dây, có thể độc tấu, đệm cho hát, múa và hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi, như: sáo trúc, sáo bầu, đàn nhị…
Đàn tính có khả năng diễn tấu năng động, linh hoạt. Muốn có được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn thì người thợ còn phải biết hát các điệu then, hiểu về những quãng âm, nhạc lý cơ bản. Trong chế tác cây đàn tính, điều quan trọng nhất chính là tìm chọn được những quả bầu ưng ý, sau đó đem cắt ngang khoảng 1/3 tính từ cuống đến giữa quả bầu, rồi mới đem ngâm trong nước khoảng nửa tháng. Tiếp theo là làm phần cần đàn, nghệ sĩ Vi Tơ giải thích, giữa độ dài của cần đàn và độ lớn của bầu đàn cũng cần có sự tương đồng và phù hợp, nếu cần đàn dài mà bầu đàn nhỏ quá thì chất lượng âm thanh giảm đi, không chuẩn.
Từ nghiên cứu tỉ mỉ này, hiện nay nghệ sĩ Vi Tơ chủ yếu chế tác loại cần đàn tính sử dụng họa tiết đầu rồng, theo thể phi (bay), tạo nên cảm giác thăng hoa, phiêu diêu theo âm thanh cho người chơi đàn và loại cần có họa tiết đầu rồng, theo thể phục (nằm) lại đem đến cho người chơi cảm giác trầm lắng nhẹ nhàng, thanh thoát. Cây đàn tính được ông chế tác đã được nhiều công chúng yêu đàn tính biết đến, phục vụ cho các câu lạc bộ hát then, đàn tính, các lớp học đàn tính trong tỉnh...
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 10 nghệ nhân chế tác đàn tính, có hơn 60 câu lạc bộ và nhóm người hát then, đàn tính với khoảng 1.500 thành viên tham gia. Các Câu lạc bộ hát then, đàn tính được thành lập với vai trò của Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh đã góp phần đưa hát then, đàn tính phát triển sâu rộng trong cộng đồng và trở thành một phần quan trọng trong di sản “Thực hành Then” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 2019).
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính như: sưu tầm, ghi chép những bài then, điệu tính gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con Tày, Nùng; sưu tầm các dụng cụ gắn liền với nghi lễ thực hành then và hát then cổ, trong đó, có 10 cây đàn tính cổ đưa vào bảo tàng phục vụ công tác trưng bày, triển lãm khi tham gia các sự kiện quảng bá du lịch trong, ngoài tỉnh…
Cây đàn tính được các em học sinh Trường trung học cơ sở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn biểu diễn trong các ngày hội của thôn bản. |
Đặc biệt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh còn chú trọng bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân hát then, đàn tính truyền dạy sâu rộng di sản này trong cộng đồng, từ đó thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính tại các điểm du lịch như: Bắc Quỳnh, Chiến Thắng, Vũ Lăng (Bắc Sơn); Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng); Mông Ân (Bình Gia)…
Nhờ đó, hát then, đàn tính đã được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh biết đến và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Lạng. Không dừng lại ở đó, nhằm tạo không gian phát triển các điệu then, đàn tính, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên đưa nghệ nhân biểu diễn tại các cuộc liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc, đồng thời tạo sân chơi nhằm thúc đẩy phong trào hát then, đàn tính phát triển như: tổ chức liên hoan hát then, đàn tính các Câu lạc bộ tỉnh Lạng Sơn mở rộng lần I, II...; đưa các nghệ nhân hát then, đàn tính biểu diễn tại nước ngoài…
Có thể nói, giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, việc lưu giữ những nét đặc sắc của cây đàn tính, nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng đã, đang và sẽ đưa loại hình âm nhạc này phát triển hơn trong cộng đồng. Qua đó, góp phần để lời then, tiếng tính của quê hương cùng những làn điệu dân ca tiếp tục sống mãi với thời gian.