Báo Nhân Dân tặng hơn 5.000 bản phụ san cho nhóm tác giả bức panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”

NDO - Sáng 20/5, tại trụ sở 71 Hàng Trống, đồng chí Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị-Xã hội thay mặt Báo Nhân Dân đã trao tặng hơn 5.000 bản phụ san đặc biệt cho Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc - trưởng nhóm tác giả bức panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội tặng phụ san cho trưởng nhóm tác giả.
Đồng chí Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội tặng phụ san cho trưởng nhóm tác giả.

Hoạ sĩ Nguyễn Văn Mạc cho biết, nhóm tác giả sẽ chuyển tiếp 5.000 bản cho Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ “để dành dụm cho các đoàn khách ở xa, đặc biệt là miền trung và miền nam”. Số phụ san còn lại sẽ được trao cho hơn 200 họa sĩ, nghệ nhân, nhà điêu khắc đã tạo nên tác phẩm gốc tại Bảo tàng.

Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng dài 132m, cao hơn 20m. Tác phẩm tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật trong 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”. Bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Báo Nhân Dân tặng hơn 5.000 bản phụ san cho nhóm tác giả bức panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” ảnh 1

Nhóm tác giả sẽ tặng 5.000 bản cho Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Trước đó, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Báo Nhân Dân đã phát hành số báo đặc biệt ngày 7/5/2024 với 8 trang thông tin tăng thêm, gồm 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”, 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch dưới dạng nhật ký bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Bạn đọc có thể cắt, ghép thành bức tranh panorama dài tới 3,21m (kỷ lục đối với báo in) và tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR để đọc thông tin mở rộng.

Ngay sau khi phát hành, số báo Nhân Dân ngày 7/5/2024 đã tạo “cơn sốt”, các sạp báo in đã “cháy hàng” từ sáng, hàng nghìn bạn trẻ gen Z tìm mọi cách để “săn lùng” tờ báo đặc biệt trong nhiều ngày.

Báo Nhân Dân tặng hơn 5.000 bản phụ san cho nhóm tác giả bức panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” ảnh 2

Hoạ sĩ Nguyễn Văn Mặc trực tiếp trao và ký tặng phụ san cho độc giả vào sáng 20/5 tại trụ sở Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Báo Nhân Dân tặng hơn 5.000 bản phụ san cho nhóm tác giả bức panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” ảnh 3

Nhiều bạn trẻ không giấu được vui mừng khi có được may mắn đặc biệt này.

Trước nhu cầu tăng cao của bạn đọc, ngày 10/5, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 5.000 bản phụ san tranh để tặng độc giả. Trong đó, 1.000 bản được gửi tới cư dân, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ngày 16/5, Báo Nhân Dân tiếp tục phát hành thêm 100.000 bản phụ san từ nguồn xã hội hóa để dành tặng độc giả trên cả nước. Bắt đầu từ sáng 20/5, bạn đọc có thể đến trụ sở Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân gần nhất để nhận phụ san.

“Tôi vô cùng hạnh phúc! Một sản phẩm lan tỏa ngoài sức tưởng tượng” - hoạ sĩ Nguyễn Văn Mạc, trưởng nhóm tác giả bức tranh “panorama” Chiến dịch Điện Biên Phủ nói về phụ san đặc biệt ngày 7/5 của Báo Nhân Dân.

Ông bày tỏ thêm: "Trong vài năm gần đây, nhiều ý kiến dấy lên bỏ môn lịch sử ra khỏi chương trình thi, giới trẻ thì không còn yêu thích lịch sử nữa,… Thực tế, sự kiện này đã chứng minh điều ngược lại. Trong mỗi người trẻ lúc nào cũng nung nấu tình yêu đất nước, tình yêu với lịch sử. Câu chuyện chỉ nằm ở việc khi nào thì tình yêu này sẽ bùng lên và bùng lên bằng cách nào. Cách kể chuyện kết hợp giữa truyền thống với công nghệ đã mở ra sự tò mò, từ đó đi sâu vào cảm nhận của người trẻ".

Báo Nhân Dân tặng hơn 5.000 bản phụ san cho nhóm tác giả bức panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” ảnh 4

Hoạ sỹ Nguyễn Văn Mạc đặc biệt ký tặng bản phụ san dành cho Báo Nhân Dân.

Trong những năm tháng thiếu niên, chính bản thân ông Mạc cũng từng xếp hàng dài trước Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự tại Điện Biên) để xem một bộ sa bàn độc nhất. “Lúc đó khó và không có đủ. Bây giờ các bạn trẻ có công nghệ. Họ có thể học về lịch sử ở bất kỳ đâu” - trưởng nhóm tác giả nói.

Hoạ sĩ Nguyễn Văn Mạc gọi sáng kiến về phụ san ngày 7/5 là “pháo lệnh đầu tiên của Việt Nam” trong việc thay đổi cách kể chuyện. “Bức tranh gốc ở Điện Biên, nói vậy thôi chứ nhiều người không đến được. Nhưng tờ báo này sẽ đi rất nhanh, là một “bảo tàng mini” có thể đi tới 63 tỉnh, thành” - ông vui mừng nói.