Báo động tình trạng đuối nước trẻ em ở Đắk Lắk

NDO -

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, khiến nhiều trẻ em tử vong. Tình trạng đuối nước trẻ em đang ở mức báo động, đặc biệt hiện nay thời tiết ở Tây Nguyên đang bước vào mùa nắng nóng và học sinh bắt đầu nghỉ hè nên nguy cơ đuối nước càng cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ các cấp, các ngành, các địa phương và các gia đình ở Đắk Lắk cần có giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra những vụ đuối nước thương tâm như thời gian vừa qua.

Hồ nước Ea Dhung Tiêng ở buôn Ea Dho, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu nhỏ ở địa phương tử vong vào cuối tháng 3/2022.
Hồ nước Ea Dhung Tiêng ở buôn Ea Dho, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu nhỏ ở địa phương tử vong vào cuối tháng 3/2022.

Liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước

Gần đây nhất là vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7/5, sau khi 3 cha con anh Nguyễn Văn Trường ở buôn Kõ Mông A, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đi cắt cỏ cho bò về, thì 2 em Nguyễn Văn N, học lớp 5B và Nguyễn Văn H, học lớp 3B, trường tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin xin cha đi câu cá tại ao của 1 hộ dân cùng buôn, cách nhà khoảng 500m.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, sau khi giúp việc cho cha xong, em Nguyễn Văn A, học sinh lớp 4C cũng con của anh Nguyễn Văn Trường xin phép cha đến chỗ anh N và em H để cùng câu cá. Đến khoảng 19 giờ, chờ cơm mãi không thấy các con về, gia đình anh Trường đã đi tìm và gọi thêm anh em hàng xóm cùng tìm.

Đến khoảng 20 giờ 15 phút cùng ngày, mọi người tá hỏa khi thấy mấy đôi dép của các em trên bờ ao và sau đó phát hiện cả 3 em bị đuối nước tử vong dưới ao. Ngay sau đó, các ngành chức năng cùng người dân địa phương đã hỗ trợ vớt thi thể các em lên bờ, bàn giao cho gia đình lo hậu sự.  

Trước đó, vào chiều 18/4, tại xã Hòa An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk một nhóm gồm 5 học sinh Trường Tiểu học Trần Phú rủ nhau ra đập nước Bà Tỵ ở thôn Thăng Tiến 2, xã Hòa An chơi. Trong lúc chơi đùa, 3 em bị trượt chân ngã xuống chỗ nước sâu, phát hiện sự việc 2 em trên bờ hô hoán người dân đến cứu nhưng khi người lớn chạy đến cứu vớt thì cả ba em đã đuối nước tử vong.

Hay vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 10/4, người dân địa phương và gia đình phát hiện 3 em gồm: Ng.Th.H.G sinh năm 2007, học sinh lớp 8H, trường Trung học cơ sở Ama Trang Lơng; em M.Th.D sinh năm 2010, học sinh lớp 5 và em Ng.Th.Ng.Tr sinh năm 2012, học sinh lớp 4, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, đều trú tại buôn Ea Lê, xã ĐliêYa, huyện Krông Năng bị đuối nước dưới một hồ nước của người dân địa phương.

Theo người thân các em thì do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên buổi chiều hôm ấy, các em đi bắt ốc tại hồ nước của một gia đình cùng buôn Ea Lê thì không may bị trượt chân xuống chỗ nước sâu chết đuối. 

Trước đó không lâu, vào khoảng 14 giờ ngày 27/3 chị Nguyễn Thị Anh sinh năm 1994, trú tại buôn Ea Dho, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk phát hiện 3 đứa con của mình là cháu Chu Thị Q. M. sinh năm 2013, Chu Thị B. Tr. Sinh năm 2015 và Chu Trọng Đ. M. sinh năm 2017 bị đuối nước tại hồ Ea Dhung Tiêng ở buôn Ea Dho. Tại thời điểm phát hiện, khi đưa thi thể lên bờ thì hai cháu B. Tr. và Đ. M. đang trong tình trạng không mặc quần áo.

Qua quá trình xác minh của Công an huyện Krông Búk, 3 cháu nhỏ thường xuyên rủ nhau đi tắm tại hồ Ea Dhung Tiêng và bị đuối nước tử vong.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2018 đến 2021, trên địa bàn tỉnh có 242 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ đuối nước khiến 21 trẻ em tử vong; trong đó có 2 vụ đuối nước, mỗi vụ có 2 trẻ em tử vong; 4 vụ đuối nước, mỗi vụ có 3 em tử vong…

Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn. Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em, nhưng nguyên nhân chính là do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là có nhiều ao, hồ được người dân thuê xe múc để dự trữ nước phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp vào mùa khô, nhưng không được rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo.

Trong khi đó, đời sống người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cha mẹ mải mưu sinh không có thời gian quản lý, chăm sóc con cái; thời tiết ở Đắk Lắk hiện nay đang bước vào mùa nắng nóng, trẻ em ở nhà không có ai trông coi nên rủ nhau ra các ao hồ, sông, suối chơi, bắt ốc, tắm nhưng không có kỹ năng bơi lội… dẫn đến đuối nước thương tâm.

Cấp thiết phòng, chống đuối nước trẻ em

Trong những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành, các địa phương ở Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em như: Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành Chỉ thị chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh; phát động chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em hằng năm; tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ làm công tác trẻ em; tổ chức nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sống; phối hợp triển khai dự án “Hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước ở trẻ em” tại hai huyện Cư M’gar và Ea Kar... 

Ngành giáo dục và đào tạo đã chú trọng triển khai công tác giáo dục phòng, chống đuối nước cho học sinh bằng nhiều hình thức đến tận các trường học... Chính quyền và các ngành chức năng ở các địa phương, chủ các hồ, đập trên địa bàn đã tăng cường cắm biển cảnh báo hồ nước sâu nguy hiểm tại các ao, hồ, công trình thủy lợi…

Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả, đặc biệt tại nhiều ao, hồ, công trình thủy lợi trên địa bàn vẫn chưa được cắm biển cảnh báo nước sâu nguy hiểm, không được tắm để các em nhận biết. Nhiều gia đình vì cuộc sống khó khăn, lo mưu sinh mà chưa quan tâm quản lý con em mình… Vì vậy, nguy cơ đuối nước trẻ em vẫn tiềm ẩn, nhất là trong những ngày nghỉ hè hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và toàn xã hội ở Đắk Lắk cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống đuối nước để bảo vệ trẻ em. 

Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Tuyết cho biết: Để phòng, chống đuối nước trẻ em thì công tác tuyên truyền cũng như việc dạy các kỹ năng an toàn cho trẻ là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần đặc biệt quan tâm quản lý, giám sát con em mình, nhất là trong những ngày hè nắng nóng hiện nay, đồng thời trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng sống, an toàn trước tai nạn đuối nước.

Đối với các cấp, các ngành, các trường học trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn và tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ, nhất là trong những ngày nghỉ hè để nâng cao hiệu qủa công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng. 

Trước thực trạng các vụ đuối nước liên tục xảy ra thời gian gần đây, đặc biệt hiện nay các em học sinh trên địa bàn đang bước vào kỳ nghỉ hè năm học 2021-2022, mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cha mẹ và trẻ em; chỉ đạo việc thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”, “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước ở trẻ em, đặc biệt vào những tháng trước khi học sinh nghỉ hè; kiểm tra, phát hiện các “điểm nóng” có nguy cơ cao xảy ra đuối nước và có hình thức cảnh báo kịp thời, phù hợp.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Vận động, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.